09/12/2019

Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (17/12/2009 – 17/12/2019) và 89 năm ngày Đại đoàn kết toàn dân

Nhân dịp này Chi bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 tổ chức Buổi sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng và giữ gìn tinh thần đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn tinh thần đoàn kết trong Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1”

Ảnh thành lập Trung tâm tháng 12/2009

Đoàn kết là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Bác Hồ nhằm phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và nhân loại, đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn dân tộc. Đấy là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

– Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần Đoàn kết dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Là một nhà thơ lớn của dân tộc, thơ ca của Người vừa phục vụ cho hoạt động cách mạng, vừa là niềm cảm hứng trữ tình cách mạng, vừa là công cụ tuyên truyền, có sức động viên đối với mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp đồng bào trong cũng như ngoài nước đồng tâm hiệp lực ra sức xây dựng, bảo vệ non sông Việt Nam đẹp tươi, giàu mạnh.

Trong bài thơ “Hãy yêu thương nhau cùng nhau đoàn kết”, Người viết có những câu:

Hãy yêu thương nhau cùng nhau đoàn kết
Hãy lắng nghe câu hát đáy lòng tôi
Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn
Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên
Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm hoạ
Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi”…

Sự nhiệm màu của tinh thần đoàn kết mà Bác mang đến cho chúng ta chính là do Người coi trọng và đặt ở hàng đầu vấn đề phải “Sống với nhau có nghĩa có tình” phải có tình đồng chí, yêu thương lẫn nhau”. Người không quên nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, người nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp lại nơi bàn tay”. Trong mấy chục triệu người, cũng có người này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên, ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc mà những câu chuyện đời thường từ nếp sống rất đỗi giản dị, gần gũi, những câu chuyện tuy rất giản đơn của Bác nhưng chứa đựng ý nghĩa thật lớn lao, cùng với những bài học quý giá đã đi sâu vào lòng người của biết bao thế hệ,… Câu chuyện về “Chiếc đồng hồ” là bài học mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn kết.

Ngày 24/5/1959, trong dịp đến thăm trường Đại học Nông lâm Hà Nội, Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên, truyền động lực cho những sinh viên. Và Bác cũng đã lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ. Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy, sau khi học xong ra phục vụ xã hội các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi để trở thành những người có ích cho nước nhà.

Nội dung kêu gọi đoàn kết được Bác Hồ viết liền mạch. Khi có dịp thuận tiện là Người tuyên truyền ngay. Từ kêu gọi tuyên truyền trực tiếp đến những ví von về sức mạnh của đoàn kết, Bác mong muốn mọi người dân thấm nhuần tư tưởng đoàn kết một cách sâu sắc và thường xuyên, để từ đó, biến thành sức mạnh lực lượng vật chất.

Trong khối Đại đoàn kết, các thành viên, các lực lượng xã hội, các giai cấp, bên cạnh những nhân tố tích cực vẫn còn tồn tại những nhân tố tiêu cực, bên cạnh những yếu tố tương đồng vẫn còn những điểm khác nhau cần phải bàn bạc để đi đến thống nhất. Họ vừa có nguyện vọng lợi ích chung, vừa có nguyện vọng lợi ích riêng. Để giải quyết vấn đề này Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung, đề cao cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt. Thực hiện điều này cần phải có thái độ chân thành thẳng thắn, phải xuất phát từ mục đích tập hợp lực lượng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội.

Đoàn kết là sự kết hợp được nhiều người, mỗi người một ưu điểm riêng mà người khác không có, nên khi tất cả họ đồng tâm cùng làm một công việc thì công việc ấy sẽ được chia ra tùy theo khả năng mà mỗi người có thể và mỗi người phải biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và phấn đấu hết mình. “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” chứ không được ỷ lại cho người khác. Đoàn kết chung với nhau không có nghĩa là nhất thiết phải chọn được người toàn diện. Và nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân sẽ khó đi đến thành công nếu không có sự kết hợp, Bác Hồ đã từng nhấn mạnh trong bài thơ lục bát “Xin ai nên nhớ chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Đoàn kết là tập hợp mọi người thành một khối thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách dời, cùng đồng lòng chung sức, hỗ trợ nhau để giải quyết công việc. Sự kết hợp ấy sẽ tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản vật chất cũng như tinh thần nhằm đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống và là chìa khóa vàng để dẫn đến mọi thành công.

– Rèn luyện tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Nơi nào có đoàn kết, nơi đó có chiến thắng”. Không có ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta hợp sức lại. Bởi vậy, để thành công trong cuộc sống, chúng ta phải rèn luyện và thực hành tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau.

Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để “kéo bè, kéo cánh”, để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng…, làm cho nhân dân bất bình, cần phải lên án và loại bỏ.

Đoàn kết là điều không thể thiếu trong một tập thể. Ngoài việc bản thân người lãnh đạo/quản lý có chuyên môn giỏi ra thì họ vẫn cần sự trung thực và tinh thần hết lòng vì nhân viên, công việc. Đó là điều kiện cần.

Còn sự lao động hăng say, có niềm tin vào lãnh đạo và đồng lòng vượt qua mọi thử thách mà không một chút tư lợi về bản thân của đội ngũ nhân viên chính là điều kiện đủ. Hai điều kiện này rất cần thiết và tác động bổ trợ lẫn nhau. Thiếu một trong hai điều kiện, thành công có thể đến nhưng không bền lâu.

Sự đoàn kết “đồng lòng nhất trí” trong công việc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của đơn vị. Khi tất cả mọi nhân viên cùng đồng lòng hợp sức sẽ tạo ra một nguồn năng lượng làm việc lớn nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng vấn đề đặt ra là mỗi người đều là mỗi cá thể riêng biệt, nên sẽ không dễ dàng để gắn kết mọi người cùng hòa vào dòng chảy chung của tập thể.

Mọi người sẽ làm việc tốt với nhau khi họ cảm thấy được đối xử công bằng trong công việc. Một vài nhân viên bình thường, không có đóng góp nhiều cho tập thể nhưng luôn nhận được sự thiên vị hoặc đối xử đặc biệt trong công việc, khen thưởng hay xử phạt. Điều này chắc chắn sẽ khiến những người còn lại không hài lòng, thậm chí bất mãn vì cách đối xử thiếu phân minh.

Nếu tập thể thiếu đi yếu tố bình đẳng thì điều này tạo ra sự bất hòa, không nhất quán trong công việc. Từ đó, sự đoàn kết sẽ không tồn tại và năng suất làm việc của cả tập thể bị giảm sút, các nhân viên luôn cảm thấy lạc lõng, xa rời tập thể và không còn hứng thú làm việc.

Phân bố nhiệm vụ, khối lượng công việc hợp lý, thưởng phạt phân minh sẽ khiến cho mọi người đều nhận thấy sự bình đẳng. Mỗi cá nhân sẽ thi đua một cách công bằng để phát triển công việc và hoàn thành mục tiêu chung của nhóm.

Các đảng viên trong Chi bộ đã thảo luận sôi nổi và đồng tình nhất trí với Báo cáo chuyên đề
Kết luận đồng chí Bí thư chi bộ đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt rất thiết thực với tình hình thực tế tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 và nhấn mạnh:

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công. Đây cũng chính là bài học sâu sắc mà thực tiễn của Trung tâm trong nhiều năm qua đã chứng minh. Cho đến thời điểm hiện nay Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã tròn 10 năm xây dựng và trưởng thành, đã có bề dày truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên để khẳng định một thương hiệu của một Trung tâm có uy tín như ngày hôm nay. Trong giai đoạn Trung tâm vừa mới thành lập, thực hiện một bước chuyển quan trọng đòi hỏi có sự thay đổi vượt bậc cả về chất và lượng thì vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nền tảng, làm động lực cho Trung tâm phát triển lại càng cần hơn bao giờ hết. Do đó, để có được sự đoàn kết với đầy đủ ý nghĩa của nó thì cần phải thực hiện được các nội dung, yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất: Để xây dựng khối đại đoàn kết ở Trung tâm cần có sự đồng thuận trên dưới một lòng, từ người đứng đầu là đồng chí Giám đốc, cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc đến các Trưởng, Phó Phòng; từ cán bộ viên chức đến nhân viên đều chung một mục tiêu xây dựng Trung tâm lớn mạnh. Muốn vậy Ban Lãnh đạo Trung tâm cần sáng suốt bảo đảm công bằng và bình đẳng cho mọi thành viên trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trong quyền lợi chính trị, quyền lợi kinh tế; chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các cán bộ, viên chức, nhân viên; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể của các Phòng và lợi ích chung của toàn Trung tâm.

Thứ hai: Xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở tự phê bình, phê bình thẳng thắn, có trách nhiệm cao, có tinh thần xây dựng, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết một chiều, không đoàn kết hình thức theo kiểu “Bằng mặt mà không bằng lòng”. Muốn vậy, từ tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên đều phải tạo cơ chế, cơ hội để mọi người phát huy tinh thần đấu tranh góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp qua người đại diện với mục tiêu vì cái chung, vì sự tiến bộ của cá nhân hay tập thể. Sự trao đổi thẳng thắn đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sẽ giúp nhau khắc phục khuyết điểm, tự vươn lên hoàn thiện bản thân. Những hành vi lợi dụng danh nghĩa đấu tranh phê bình để mưu cầu lợi ích riêng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác, làm ảnh hưởng tới khối đoàn kết trong tập thể Trung tâm.

Thứ ba: Đoàn kết muốn bền chặt, lâu dài Trung tâm cần phải có môi trường sống và làm việc với tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, có sự bao dung rộng lượng, luôn tạo cơ hội cho mọi người có điều kiện phát triển, qua đó để mọi người luôn cảm thấy tình thân ái của những người xung quanh, cảm nhận Trung tâm như tổ ấm thứ hai của mình. Vì vậy, mà tinh thần cộng đồng chung tay xây dựng Trung tâm 1 phát triển càng được phát huy.

Thứ tư: Một trong những điều kiện làm cho khối đoàn kết trong Trung tâm được nâng cao đó chính là sự tạo dựng niềm tin cho cán bộ viên chức, nhân viên. Trách nhiệm này đầu tiên là thuộc về các đồng chí trong Chi ủy, Ban Giám đốc Trung tâm, sau đó là của các đồng chí Trưởng các đoàn thể chính trị xã hội trong Trung tâm, các đồng chí Trưởng, Phó các đơn vị. Muốn có được niềm tin của tập thể quần chúng không thể nào khác cần tiếp tục phát huy tính công khai, dân chủ trong Trung tâm. Càng dân chủ, công khai bao nhiêu, càng tăng cường tính trách nhiệm của các thành viên trong Trung tâm bấy nhiêu, mọi người đều thấy mình có vai trò đóng góp cho Trung tâm ở các phạm vi, mức độ, các lĩnh vực khác nhau.

Thứ năm: Vừa tập trung làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức; vừa tạo môi trường cảnh quan của Trung tâm, sạch, đẹp; vừa quan tâm xây dựng môi trường sinh hoạt đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh cho cán bộ, viên chức, nhân viên bằng nhiều hình thức tổ chức giao lưu đa dạng, phong phú: Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các diễn đàn trao đổi theo chủ đề, chuyên đề có ý nghĩa thiết thực đến đời sống hàng ngày. Thông qua các loại hình tổ chức sinh hoạt tập thể như vậy, mọi người có điều kiện gần gũi, hiểu nhau hơn, chia sẻ tình cảm, chia sẻ những khó khăn thuận lợi với nhau nhiều hơn và từ đó mà tinh thần đoàn kết gắn bó với nhau sẽ càng tốt hơn.

Ảnh Lễ bế mạc Triển lãm hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019

Tựu chung lại, để giữ được văn hóa đoàn kết đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn tìm cách cân bằng được cả hai cảm xúc suy nghĩ tiêu cực và tích cực của mình. Trong tư tưởng mỗi cá nhân phải nhấn mạnh được mục đích chung và lợi ích chung của tất cả để cùng hướng mọi người về một mối. Làm được điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 sẽ ngày càng phát triển vững mạnh./.

Tin Ngọc Sơn
Ảnh Văn Đốc