17/07/2017

“Kinh doanh khó khăn làm sao “lên” doanh nghiệp được”?

Bên cạnh những khó khăn về chính sách, thủ tục cần phải có đối với doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cho rằng sản phẩm của họ cần có thị trường, đầu ra ổn định thì hộ kinh doanh mới có nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp.

kdkk1

Hội thảo “Chuyển đối hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và giải pháp hỗ trợ”.

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo “Chuyển đối hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và giải pháp hỗ trợ”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 26/6, ông Đỗ Hồng Chiêu- Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ An Huy, làng nghề Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái- Thường Tín- Hà Nội) cho biết những băn khoăn và vướng mắc của những hộ kinh doanh làng nghề muốn chuyển đổi thành DN mà chưa được.

DN muốn “lên” mà gặp “khó”

Vốn là chủ một doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, ông Chiêu cho biết: Hộ kinh doanh mang tính chất nhỏ lẻ và tự phát, khi chúng tôi chuyển thành DN năm 2011, DN đã được phát triển ở quy mô chuyên nghiệp hơn, sản xuất kinh doanh bài bản hơn, có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với đối tác trong và ngoài nước.

“70% sản phẩm của chúng tôi dành cho xuất khẩu, nên việc có tư cách pháp nhân rất quan trọng, giúp chúng tôi xuất khẩu dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi nhận được những ưu đãi về chính sách, ưu đãi về vay vốn và đặc biệt là hưởng thuế suất xuất khâủ 0%”- ông Đỗ Hồng Chiêu nói.

Làng nghề Sơn mài Hà Thái, xã Hà Thái có hơn 100 hội viên, nhưng chỉ có hơn 10 doanh nghiệp, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong số này, nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng chưa tiến hành bởi nhiều nỗi lo.

“Thời điểm năm 2008 là thời điểm thịnh vượng của sơn mài, nhiều hộ kinh doanh làm ăn phát đạt đã chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại lại là giai đoạn khó khăn. Sơn mài là một ngành nghề thủ công mỹ nghệ kén khách hàng, do đó DN hiện đang gặp vướng mắc trong vấn đề thị trường. Cụ thể là thị trường bị thu hẹp, công việc thất thường nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể, do đó nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp cũng rất khó thực hiện được”-ông Đỗ Hồng Chiêu cho biết thêm.

Cần ưu đãi đặc thù

Do đó, ông Chiêu mong muốn có được cơ chế chính sách đặc thù cho ngành, Nghị quyết số 31 của TP Hà Nội năm 2014 đã đưa sơn mài Hạ Thái vào một trong số những làng nghề cần được bảo tồn phát triển và có cơ chế đặc thù. “Vậy cơ chế chính sách đặc thù ở đây cụ thể là gì?” ông Chiêu đặt vấn đề?

Ông Chiêu kiến nghị, Nhà nước cần vào cuộc sâu hơn với thực tế, xác định ngành nghề lĩnh vực nào cần ưu tiên, ưu đãi có chọn lọc để hổ trợ hộ kinh doanh trong ngành đó phát triển lên doanh nghiệp, có cơ hội mở rộng thị trường.

Theo ông Đỗ Hồng Chiêu, vấn đề đáng ngại khác với hộ kinh doanh khi chuyển lên doanh nghiệp là cần quá nhiều giấy tờ, sổ sách. Với hộ kinh doanh hay doanh nghiệp thì vấn đề mấu chốt là đưa được sản phẩm ra thị trường, bán hàng có lãi, chi trả được lương công nhân, nhưng hai loại hình này khác nhau về thủ tục.

“Trong khi hộ kinh doanh khá đơn giản về thủ tục kế toán thì DN lại cần đến hơn 30 loại chứng từ, sổ sách và đòi hỏi phải có kế toán. Cùng với đó, đầu vào nguyên liệu với hộ kinh doanh thì chỉ cần ghi sổ, nhưng với doanh nghiệp thì cần nhập từ các hộ có hóa đơn đầu vào để chứng minh nguyên liệu…” ông Chiêu chia sẻ.

Nói cách khác, thị trường và thủ tục hành chính là những trở ngại lớn khiến hộ kinh doanh băn khoăn lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp cho mình.

Theo dddn.com.vn