25/11/2017

Khuyến công với công tác phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản

Trong những năm gần đây ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta có những bước phát triển tích cực. Cả nước có hàng chục ngàn cơ sở thuộc các thành phần kinh tế với quy mô khác nhau, đã sản xuất nhiều chủng loại hàng hoá phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên với yêu cầu của thị trường, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ sản xuất, loại hình sản phẩm, … để nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến trong sản xuất công nghiệp nói chung, trong tổng sản lượng sản xuất hàng hóa nói riêng.

Thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP trên địa bàn 26 tỉnh khu vực phía Bắc, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đã xây dựng và triển khai hàng loạt các đề án hỗ trợ phát triển các ngành chế biến như: Chế biến chè, chế biến gạo, chế biến thịt, chế biến rau củ, chế biến thủy sản,… và các ngành phụ trợ phục vụ chế biến nông sản tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu… Cụ thể, từ năm 2013, IPC1 đã hỗ trợ xây dựng 03 mô hình trình diễn kỹ thuật về chế biến chè và chế biến thủy sản tại Nam Định; Tuyên Quang; Phú Thọ; năm 2014 hỗ trợ 01 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất lon phục vụ chế biến nông sản tại Nam Định và hỗ trợ ứng dụng 01 máy móc thiết bị trong chế biến chè tại Tuyên Quang; năm 2015 hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 02 cơ sở chế biến nông sản tại Ninh Bình; tổ chức 02 hội thảo về nâng cao chất lượng chế biến chè sau thu hoạch tại Thái Nguyên và Tuyên Quang; năm 2016 hỗ trợ xây dựng 03 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nông sản và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 02 cơ sở CNNT chế biến nông sản tại Ninh Bình, Nam Định;

Theo ông Trần Quốc Toản – Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân tỉnh Nam Định, năm 2016 IPC1 đã đồng hành cùng Công ty xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo sạch. Kết quả đạt được sau khi xây dựng mô hình chế biến gạo sạch tại Công ty là rất khả quan, không những giúp gia tăng giá trị nông sản mà sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra đã không kịp đáp ứng với nhu cầu của thị trường, luôn có chỗ đứng vững chắc tại các hệ thống siêu thị,… Sản phẩm gạo sau thu hoạch của bà con nông dân được nhà máy thu mua giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chất lượng gạo nói chung và gạo xuất khẩu nói riêng từng bước được cải thiện…

Với mặt hàng chè khô, nếu như giai đoạn trước đây nước ta chủ yếu xuất bán chè theo hình thức nông sản thô thì với sự đồng hành của Khuyến công, nhiều địa phương đã xây dựng các nhà máy chế biến chè đạt hiệu quả cao. Điển hình như Công ty cổ phần Chè Sông Lô, là đơn vị được IPC1 đồng hành ngay từ khi xây dựng nhà xưởng, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật năm 2013; đến năm 2014 IPC1 lại tiếp tục đồng hành cũng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực máy móc thiết bị. Đến nay, Công ty đã có nền tảng vững chắc để phát triển, sản phẩm của Công ty đã có mặt trên nhiều thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các Chương trình khuyến công đã có tác động thúc đẩy sản xuất chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Các nội dung đề án mà IPC1 triển khai đều gắn với thế mạnh của từng vùng, từng địa bàn. Công tác khuyến công cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thông tin doanh nghiệp qua nhiều hình thức như: hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; bản tin khuyến công, tờ bướm, tờ rơi, tạp chí công thương, website Trung tâm Khuyến công,… Từ các chính sách hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật, nâng cao năng lực máy móc thiết bị, xúc tiến thương mại, tư vấn và tuyên truyền các lĩnh vực liên quan đến sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) đã thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư nâng cao năng lực thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học, góp phần nâng cao năng lực sản suất, giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả chế biến, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, tăng giá trị nông sản.

Có thể thấy, hoạt động khuyến công đã tác động mạnh mẽ đến khu vực CNNT, các đề án sau khi triển khai hầu hết phát huy tác dụng, góp phần tích cực cho các cơ sở CNNT hoạt động có hiệu quả trên cả mặt: cho doanh nghiệp, cho người lao động và cho xã hội; sản lượng và doanh thu của các cơ sở công nghiệp nông thôn các năm sau khi được hỗ trợ đều tăng và tác động tích cực đến phát triển công nghiệp tại các địa phương. Đồng thời, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa bàn nông thôn, giúp cho các cơ sở CNNT tăng sản lượng, ổn định lao động để sản xuất và mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh./.

Theo Cục Công thương địa phương