29/09/2021

Khuyến công nỗ lực đồng hành cùng Doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) được giao thực hiện 04 đề án điểm và 01 đề án nhóm triển khai trên địa bàn các tỉnh thành phố khu vực phía Bắc. Tính đến nay, Trung tâm 1 đã nghiệm thu được 35 nội dung thuộc các đề án điểm chiếm 2/3 các nội dung đề án được giao; các đề án được hỗ trợ đều dựa trên kết quả khảo sát thực tế và thu thập thông tin, ưu tiên cho các đề án có quy mô lớn, có tính lan tỏa cao và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đặc biệt, đến nay các đề án đã triển khai và hoàn thành, đã phát huy tốt hiệu quả.

vuotdich1

Giới thiệu MH trình trình diễn kỹ thuật sản xuất chiếu nan tại Công ty TNHH thương mại và vận tải Đình Của

Mặc dù trong những năm qua hoạt động khuyến công đã dần đi vào nề nếp, luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trên cơ sở cụ thể hoá bằng các chương trình, đề án để triển khai thực hiện được thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượng các đề án hàng năm có tăng lên và đã mang lại lợi ích cho việc khuyến khích phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Bắc. Các doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững. Thông qua hoạt động khuyến công một số địa phương đã khôi phục nghề truyền thống và mở thêm ngành nghề mới góp phần đáng kể vào đời sống kinh tế – xã hội, thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng, sức lan tỏa của hoạt động khuyến công đến các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn các tỉnh ngày càng nâng cao.

Tuy nhiên năm 2021 là một năm đầy khó khăn do tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực và trực tiếp tới các nền kinh tế. Tại Việt Nam, trong các đợt dịch bùng phát, rất nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí tạm đóng cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình Khuyến công là các cơ sở CNNT thường là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi tình hình dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất do bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… phụ thuộc nguyên liệu từ thị trường nước ngoài; dịch bệnh còn làm gia tăng yêu cầu biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; các doanh nghiệp phải sản xuất trong tình trạng giãn cách xã hội, cầm cự sản xuất và tăng tranh chấp các hoạt động thực hiện hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế gắn với nguyên nhân gián đoạn do dịch bệnh. Do đó việc đầu tư máy móc vào sản xuất của các đơn vị thụ hưởng không đạt được như kế hoạch đề ra, việc sản xuất bị trì trệ dẫn tới các đề án Khuyến công do Trung tâm 1 triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ðể đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành  nhiệm vụ được giao. Trung tâm 1 đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, trong đó trọng tâm tập trung tăng cường dịch vụ tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở CNNT trong quá trình lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, triển khai đầu tư sản xuất; lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững./.

                                                                                   Thực hiện: Phạm Trang

                                                                                    Ảnh: Văn Đốc