15/12/2020

Khuyến công khu vực phía Bắc: Đẩy mạnh liên kết vùng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 và tranh chấp thương mại quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã xác định rõ mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế”, trong đó phải hoàn thiện chính sách để bảo đảm công tác khuyến công hiệu quả hơn.

 

Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) về công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 14 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ trong 10 tháng năm 2020, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) được ưu tiên bổ sung tăng thêm, nội dung khuyến công phong phú, đa dạng. Hoạt động khuyến công tiếp tục bám sát nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và thực hiện đúng định hướng, từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực. Các đề án KCQG, KCĐP đã và đang triển khai thực hiện cơ bản, đảm bảo đúng tiến độ, tập trung hỗ trợ phát triển các ngành nghề và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao…

kcmblienket1

Hỗ trợ phát triển các ngành nghề, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao

Cụ thể, kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2020 của khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là 91,140 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí KCQG 25,678 tỷ đồng, kinh phí KCĐP 65,462 tỷ đồng. Các nội dung hoạt động khuyến công gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước… Theo đó, đã có 5/14 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình) đã phê duyệt Chương trình KCĐP giai đoạn 2021 – 2025; 2/14 tỉnh đã trình UBND tỉnh đang chờ phê duyệt (Thái Bình, Nghệ An); 4/14 địa phương (Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh) đang xây dựng và lấy ý kiến các sở, ngành theo quy định; các địa phương còn lại hiện chưa xây dựng.

Ngoài ra, về hạ tầng, đến năm 2020, tổng số cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trong khu vực là 645 cụm, với tổng diện tích quy hoạch 20.285 ha. Hiện nay, có 358 CCN đã được thành lập với tổng diện tích 11.152 ha. Trong khi đó, tính đến hết tháng 10/2020, 14 tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi Bắc bộ mới thành lập được 141 CCN với tổng diện tích 4.995 ha, trong đó có 86 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.013 ha. Các CCN hoạt động đã thu hút hơn 650 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động.

Liên kết để phát triển

Để mở rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước cũng như xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng công tác khuyến công tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc còn tồn tại những hạn chế nhất định. Trong đó, hoạt động liên kết giữa các địa phương còn yếu. Do đó, cần có cơ chế, chương trình, mô hình hợp tác hiệu quả hơn nữa để phát triển khuyến công hỗ trợ địa phương, tăng tính tự chủ của ngành sản xuất, từng bước hình thành chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, bám sát nhu cầu thực tiễn, tăng cường các dự án đầu tư lớn, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của các ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, điện tử…; hỗ trợ các hoạt động quảng bá sản phẩm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Đồng thời tiếp tục rà soát, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là hoàn thiện chính sách về thu hút đầu tư, phát triển CCN; cần đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng ngành Công Thương giữa các tỉnh, thành phố, đặc biệt về công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị và kết nối cung – cầu…

Thực hiện Chương trình KCQG đến năm 2020 theo Quyết định 1288 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển CNNT. Tuy vậy, còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi khu vực cần sớm khắc phục trong giai đoạn mới.

Nguồn: https://congthuong.vn/