09/12/2016

Khuyến công Hà Nội: Góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội

Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các đơn vị trong ngành… công tác khuyến công Hà Nội năm 2016 đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

kchn1 1

Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2016 đã thu hút đông đảo khách tham quan

Báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho thấy, công tác khuyến công năm 2016 của Hà Nội tiếp tục được triển khai đồng bộ, sâu rộng trên khắp địa bàn 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội và 2 quận mới thành lập là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Qua đó, đã góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, những hoạt động khuyến công đạt kết quả tốt trong năm 2016 phải kể đến như: Tổ chức tốt và thành công Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tham gia Chương trình lễ phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú ngành thủ công mỹ nghệ kết hợp Hội chợ – Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ do Bộ Công Thương tổ chức…

Năm 2016 cũng ghi nhận những nỗ lực của khuyến công Hà Nội trong việc truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cũng như nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã tổ chức được 100 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 3.500 lao động nông thôn. Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ từ các hoạt động khuyến công ngày càng tăng. Năm 2016 có tổng số 810 cơ sở công nghiệp nông thôn làng nghề, 56 nghệ nhân được hỗ trợ trực tiếp từ hoạt động khuyến công.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn tổ chức được 2 lớp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho 100 giám đốc, phó giám đốc các cơ sở sản xuất làng nghề. Tập trung vào các DN thành lập trong năm 2016-2017. Tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành DN, thiết kế mẫu mã sản phẩm…

Trước những kết quả đã đạt được trong năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu cho năm 2017: Có 800-1.000 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công; Thông qua chương trình khuyến công, tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn; Góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tăng 8-10% so với năm 2016; Tạo ra khoảng 300 sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ từ các hoạt động khuyến công…

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, khuyến công Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, như: Hoàn thiện và báo cáo Sở Công Thương trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2017 trên cơ sở Chương trình khuyến công thành phố giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch tổ chức Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2017 và Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2017 báo cáo Sở Công Thương trình UBND thành phố; Hoàn thiện Đề án Tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội kết hợp thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân giai đoạn 2016-2020 theo ý kiến của Ban thi đua khen thưởng Trung ương trình UBND thành phố xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ…

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, năm 2016, ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự trang trải một phần kinh phí khi tham gia thực hiện các nội dung của hoạt động khuyến công, với tổng số tiền ước tính từ 21-27 tỷ đồng.

Theo BaoCongThuong.com.vn