Kết quả triển khai hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển đổi số và định hướng thực hiện tới năm 2025
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ Chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Nhằm làm rõ hơn hiệu quả của đề án này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Lanh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) về kết quả thực hiện nhiệm vụ này.
T/g: Xin chào ông Nguyễn Thế Lanh, xin ông cho biết tính cấp thiết của việc triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT thực hiện chuyển đổi số ?
Trả lời: Đối với công tác khuyến công, nội dung ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh đã được thể hiện trong Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025. Thực tế hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn còn nhiều bỡ ngỡ, vì đối tượng tác động, thụ hưởng từ chương trình khuyến công là các cơ sở CNNT – đối tượng còn có nhiều hạn chế trong nhận thức và thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống, mức độ tự động hoá còn chưa cao. Đa số chủ cơ sở CNNT còn chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, khái niệm về chuyển đổi số còn quá mới mẻ và mơ hồ; một số cơ sở CNNT còn có tâm lý sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin; đã có những cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh nhưng còn mang tính hình thức, phong trào mà chưa thực sự hiệu quả, chưa có tính thực chất.
T/g: Xin ông cho biết kết quả của nội dung này trong thời gian vừa qua?
Trong 2 năm vừa qua, Trung tâm 1 đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai một số nội dung sau nhằm hỗ trợ các cơ sở CNNT chuyển đổi số. Có thể kế đến như:
* Nội dung thứ nhất: Tổ chức các Hội nghị/Hội thảo nhằm giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT tại khu vực phía Bắc (Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Tĩnh) với mục tiêu là nâng cao nhận thức, kiến thức, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT và một bộ phận cán bộ quản lý các cấp, cũng như những người làm công tác khuyến công.
Một số hình ảnh của các Hội nghị/Hội thảo về Chuyển đổi số do Trung tâm 1 Tổ chức
Tại Các Hội nghị/Hội thảo các đại biểu tham dự đã được giới thiệu tổng quan về chương trình chuyển đổi số của Chính phủ và của ngành Công Thương; vai trò của công tác Khuyến công trong hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT thực hiện chuyển đổi số, đồng thời các đại biểu cũng được cung cấp các thông tin, kiến thức đa chiều về chuyển đổi số để doanh nghiệp có thể “hiểu đúng, làm đúng”. Đồng thời các báo cáo viên, chuyên gia cũng truyền đạt những vấn đề cơ bản trong Chuyển đổi số của DN; Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi số trong hoạt động SXKD của DN. Sau mỗi chuyên đề, các đại biểu tham dự đều sôi nổi thảo luận, đưa ra các câu hỏi để các báo cáo viên, chuyên gia giải đáp, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, đặc biệt với mô hình SXKD của các cơ sở CNNT về cơ bản là quy mô nhỏ, không có nhân sự chuyên sâu và am hiểu về CNTT. Thông qua Hội nghị/Hội thảo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã nắm rõ hơn về tình hình thực tế và những khó khăn của các doanh nghiệp, từ đó sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả.
* Nội dung thứ hai: Hỗ trợ thuê tư vấn chuyển đổi số cho 90 cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Trong hoạt động “Hỗ trợ thuê tư vấn chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT”, đã thực hiện hỗ trợ cho 90 cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Lào Cai … triển khai các nội dung:
– Khảo sát, thu thập các thông tin chung về cơ sở CNNT: Tên cơ sở CNNT, mã số thuế, địa chỉ, vị trí, website, số điện thoại, email, số lượng nhân viên, cơ sở vật chất, sản phẩm,…
– Số hóa các thông tin chung về doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, cơ sở vật chất, sản phẩm, nhà cung cấp, mạng lưới phân phối và khách hàng, nhu cầu doanh nghiệp.
– Số hóa mô hình 3D các sản phẩm của cơ sở CNNT.
– Thiết kế không gian trưng bày 3D (showroom 3D hoặc showroom 360) cho các sản phẩm các cơ sở CNNT.
– Phân tính và đưa ra lộ trình chuyển đổi số cho cơ sở CNNT.
Một số hình ảnh của sản phẩm hỗ trợ Chuyển đổi số cho các cơ sở CNNT
Đến nay các đơn vị được hỗ trợ đã hoàn thành thực hiện nội dung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đạt được hiệu quả nhất định: được cung cấp 01 hệ thống cơ sở dữ liệu, được số hóa các thông tin chung của cơ sở và một số sản phẩm chủ lực, có tiềm năng với đầy đủ các thông tin liên quan để cơ sở có thể sử dụng, khai thác nhằm xúc tiến và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên môi trường Internet hoặc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện có trong và ngoài nước. Việc số hóa thông tin, số hóa mô hình 3D sản phẩm, thiết kế không gian trưng bày 3D các sản phẩm CNNT đã giúp các cơ sở CNNT có thêm phương án mới nhằm quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm CNNT, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động.
Các cơ sở CNNT nhận thức được lợi ích của chuyển đổi số và lộ trình thực hiện chuyển đổi số tại cơ sở CNNT. Các cơ sở CNNT xác định được lộ trình chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của mình, từ đó bố trí các nguồn lực để tổ chức thực hiện các giai đoạn của lộ trình đã đặt ra. Thông qua nội dung hỗ trợ của đề án đã giúp các đơn vị thụ hưởng có thêm 1 công cụ số để sử dụng cho việc quảng bá, giới thiệu và tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên môi trường Internet đồng thời góp phần tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở CNNT trên địa bàn.
T/g: Xin ông cho biết định hướng trong thời gian tới về nội dung hoạt động này?
Trả lời: Từ những kết quả đạt được trong hai năm thực hiện chương trình hỗ trợ các cơ sở CNNT chuyển đổi số. Trung tâm 1 sẽ sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm từ đó có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp với từng nội dung cụ thể, như tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng bộ hồ sơ năng lực kỹ thuật số với mục tiêu phát triển thị trường, bán hàng đa kênh (Omni Channel Marketing) và triển khai hỗ trợ ứng dụng phần mềm kế toán công nghệ điện toán đám mây (Accounting Online), phần mềm quản lý hợp đồng điện tử ( e-Contract), Quản trị hệ thống, quản lý bán hàng, quản lý nhân sự – chấm công – tính lương, quản lý sản xuất… nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho các cơ sở CNNT có thể ứng dụng thành công chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ trình Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương xem xét, bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các cơ sở CNNT trong thời gian tới.
T/g: Xin trân trọng cảm ơn ông đã bố trí thời gian chia xẻ với chúng tôi.
Thực hiện: Hiển Bùi – IPC1
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia