29/06/2023

Kết quả, thành tựu của công tác khuyến công trong phát triển công nghiệp nông thôn

Công nghiệp nông thôn (CNNT) chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế. Phát triển CNNT không chỉ trực tiếp góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung mà còn góp phần giảm bớt sự chênh lệch về phát triển kinh tế – xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn, gia tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế.

thanhtuukc1Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp ở nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012.

Sau 8 năm triển khai, ngày 21 tháng 5 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công (Nghị định số 45/2012/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Nghị định số 45/2012/NĐ-CP tiếp tục và kế thừa những nội dung tích cực đạt được trong thời gian trước đó và khắc phục được những bất cập, tồn tại của Nghị định 134/2004/NĐ-CP; đồng thời Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020; Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công ở trung ương và địa phương đã từng bước được hoàn thiện, bám sát thực tiễn, đưa công tác khuyến công đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Tổ chức hệ thống khuyến công toàn quốc đã không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, ngoài Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 trực thuộc Cục Công Thương địa phương, 63/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước có đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công. Ngoài ra còn có các tổ chức dịch vụ khuyến công khác, như: Viện, Trường, Hiệp hội…  tham gia và thực hiện  các nội dung hoạt động khuyến công.

Chương trình khuyến công hàng năm với nguồn ngân sách hỗ trợ bình quân hơn 200 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí trung ương và địa phương) đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các nội dung hoạt động khuyến công như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ tư vấn, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; đào tạo nghề theo nhu cầu… đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đưa giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của cả nước ngày càng tăng mạnh.. Đặc biệt, hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương gia tăng đáng kể, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá – xã hội, ổn định dân sinh ở nông thôn…

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2005-2010 giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng bình quân 13,77%/năm, trong đó giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 16,54%/năm, số lượng các cơ sở CNNT tăng bình quân 8,64%/năm; số lao động làm việc trong các cơ sở CNNT tăng 8,94%/năm. Theo Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2008 – 2012, giá trị sản xuất CNNT của cả nước năm sau luôn có mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước, bình quân 5 năm là 19,85 %/năm. Số lượng cơ sở CNNT tăng trung bình cả giai đoạn đạt 8,74%/năm. Số liệu của Ban Kinh tế trung ương tại Hội nghị sơ kết Chương trình KCQG giai đoạn 2014-2018, giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 12,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Đặc biệt trong thời gian qua, đối mặt với những diễn biến bất lợi về thiên tai, dịch bệnh, công tác khuyến công đã kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ứng phó với những khó khăn, khôi phục sản xuất, đứng vững trên thị trường. Bên cạnh đó, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình, phát triển sản xuất, kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.

20 năm qua, có thể khẳng định, công tác khuyến công đã xác lập những bước đi quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; khai thác các điều kiện thuận lợi của từng vùng, từng địa phương cho phát triển lực lượng sản xuất; phát huy cao nội lực của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

 Những mục tiêu của hoạt động khuyến công tại Nghị định của Chính phủ và mục tiêu của chương trình khuyến công quốc gia tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được thực hiện, khẳng định được vai trò quan trọng, động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp của quốc gia, vùng tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn tới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao…, yêu cầu đặt ra cho hoạt động khuyến công là phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại của giai đoạn trước; tập trung trọng tâm trọng điểm để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên cơ sở những yêu cầu, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đổi mới công tác khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số”./.

Nguồn: http://arit.gov.vn/