03/08/2022

Kết quả 10 năm tổ chức công tác bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thực hiện công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu giai đoạn 2012 – 2021 trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như sau:

Về công tác phổ biến văn bản tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu: Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành 02 văn bản, gồm: Quyết số 93/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 về việc ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An (trên cơ sở Thông tư số 35/2010/TT-BCT ngày 12/11/2010 của Bộ Công Thương quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu); Quyết định số 22/QĐ-UBND 07/01/2022 về việc bãi bỏ Quyết định số 93/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 31/12/2013 về việc ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An (trên cơ sở Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28/8/2014 của Bộ Công Thương quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thay thế Thông tư số 35/2010/TT-BCT ngày 12/11/2010). Hiện nay, công tác tổ chức bình chọn thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương, kinh phí tổ chức bình chọn thực hiện theo Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND ngày 05/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Nghệ An.

Về công tác hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của các cơ sở CNNT: Đến nay, kinh phí khuyến công đã hỗ trợ được cho 25 cơ sở CNNT có sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu với tổng kinh phí 5.874,7 triệu đồng trong đó cơ sở CNNT tiêu biểu cấp tỉnh được hỗ trợ 4.169,7 triệu đồng, cơ sở sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực 1.250 triệu đồng và cơ sở CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia 455 triệu đồng. Các nội dung hỗ trợ gồm: Đào tạo lao động, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng dây chuyền công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Các cơ sở được hỗ trợ đã huy động vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết thêm việc làm cho lao động nông thôn; nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến được chuyển giao, các mô hình trình diễn được nhân rộng; nhiều cơ sở sản xuất đã phát triển từ quy mô hàng chục lao động lên đến hàng trăm lao động, đưa doanh thu từ 3-5 tỷ đồng lên trên 20 tỷ đồng mỗi năm,… nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường xuất khẩu. Các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp được hưởng các quyền lợi như: được cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để hỗ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho các cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận cấp quốc gia, cấp khu vực, cấp tỉnh; Hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Nhiều cơ sở đã được hỗ trợ kết nối sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; Giới thiệu, hỗ trợ về sản phẩm cũng như chủ thể cơ sở CNNT trên cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.

10nambc1

Sản phẩm của Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 2021

Kết quả đạt được: Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là một trong những nội dung được tỉnh rất quan tâm trong chương trình khuyến công địa phương. Giai đoạn 2012 – 2021 tỉnh Nghệ An đã tổ chức 05 kỳ bình chọn, đã lựa chọn được 143 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 71 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 18 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 11 sản phẩm CNNT cấp quốc gia. Sau 05 kỳ tổ chức, hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT đã thu hút được nhiều cơ sở sản xuất tham gia, số lượng sản phẩm tham dự bình chọn và đạt giải tăng dần qua từng năm, chất lượng, hình thức mẫu mã sản phẩm tham gia ngày càng cao; Việc tôn vinh sản phẩm qua bình chọn đã giúp nhiều cơ sở có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó đẩy mạnh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm của các doanh nghiệp ngoài tỉnh và hàng nhập khẩu. Việc vinh danh công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cũng giúp cho người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng vào chất lượng và uy tín doanh nghiệp. Từ đó củng cố vị thế thương hiệu của cơ sở CNNT để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của doanh nghiệp. Kết quả bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp là cơ sở để Sở Công Thương xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương, chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn. Đồng thời thu hút, khuyến khích, động viên kịp thời các cơ sở sản xuất CNNT nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có tiềm năng lợi thế của địa phương.

10nambc2

Sản phẩm hàng đèn lồng của Công ty TNHH Đức Phong được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021

Bên cạnh công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, việc triển khai công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu còn nhiều hạn chế, như: vẫn còn một số địa phương chưa tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện thường xuyên qua các thời kỳ; nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự quan tâm đến dự thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Công tác tuyên truyền, cổ động ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều cơ sở không nắm được kế hoạch để tham gia. Hiện nay, quy định mức thưởng bằng tiền cho mỗi sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn từ Trung ương đến địa phương còn thấp hơn so với mức thưởng của các giải thưởng khác; Kinh phí khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở đạt danh hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu còn chưa nhiều, nội dung mới tập trung vào hỗ trợ đổi mới ứng dụng khoa học, máy móc tiên tiến vào sản xuất;

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn: Tiếp tục thực hiện tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu theo 02 cấp tỉnh và huyện 02 năm/lần (vào năm chẵn) theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương; Tiếp tục ưu tiên từ nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cho phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì; Tích cực hỗ trợ các cơ sở tham gia các kì hội chợ triển lãm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giao thương, tăng cường quảng bá và giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu để đưa sản phẩm đến với thị trường.

Giải pháp thực hiện: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ cơ sở CNNT đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tư vấn đến các cơ sở công nghiệp nông thôn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, cải tiến năng suất chất lượng, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung đầu tư máy móc, thiết bị ứng dụng vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, có giá trị cao; Xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với từng địa phương, cơ sở có sản phẩm được công nhận để tư vấn, định hướng và có hỗ trợ sát thực, hiệu quả từ các hoạt động khuyến công; hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đăng ký tham gia đủ các cấp từ cấp huyện đến cấp cao hơn./.

Nguồn: https://khuyencongnghean.com.vn/