Kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống
Tối 10/5/2022, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2022” và chào mừng Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) từ ngày 10 đến 14/5 tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì.
Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2022” thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Tham gia chương trình có 90 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống: thêu, sơn mài, gốm sứ, mây tre đan, mộc, chế biến thực phẩm…
Cùng với đó, chương trình sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, góp phần vực lại sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Bên cạnh sự kiện Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2022, huyện Thanh Trì tổ chức không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện chào mừng SEA Games 31 gồm các sản phẩm OCOP, làng nghề của huyện như nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh xã Đại Áng, Rượu Ngâu xã Tam Hiệp, Bánh Trưng Tranh Khúc xã Duyên Hà, sản phẩm OCOP xã Yên Mỹ và các sản phẩm làng nghề đơn vị bạn như thành phố Tam Kỳ – tỉnh Quảng Nam; thành phố Chí Linh – tỉnh Hải Dương; huyện Nông Sơn – tỉnh Quảng Nam; huyện Trà My – tỉnh Quảng Nam huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, Hà Nội…;
Ngoài ra, Chương trình còn thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường; thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, sản xuất các sản phẩm xanh, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Theo Kế hoạch số 266/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022, chương trình hành động nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố hiệu quả; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an sinh xã hội; các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được triển khai đồng bộ, bền vững; đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa, các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ; chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm cải thiện, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thân thiện môi trường.
Mặt khác, chương trình cũng nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững (từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái chế, tái sử dụng); huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.
Trong năm 2022, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm 3 – 4% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa. Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 70%. Phấn đấu 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.
Với những tiêu chí đề ra đó, thành phố đặt ra nhiều nội dung, nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành phối hợp thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững như tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy tại siêu thị, trung tâm thương mại. Xây dựng tài liệu hướng dẫn giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường; tổ chức phổ biến hướng dẫn và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về phân phối xanh, bền vững.
Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn áp dụng các giải pháp, phương thức nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu, năng lượng.
Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững. Cụ thể như xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường; hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn, phổ biến cho người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường.
Thực hiện lồng ghép vấn đề sản xuất và tiêu dùng bễn vững vào các đề án, chương trình, kế hoạch như quản lý và phát triển hoạt động logistics; phát triển thương mại điện tử; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình khuyến công; Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025 đề ra.
Nguồn: https://moit.gov.vn/
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024