08/11/2017

Kết nối giao thương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”

Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với các tỉnh, thành phố trong cả nước trên tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, hưởng ứng có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chiều 3/11, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017

Ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì Hội nghị. Đại diện nhiều Bộ, ban, ngành và Lãnh đạo 50 tỉnh thành và gần 400 doanh nghiệp đã đến tham dự Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã trưng bày các sản phẩm lợi thế, đặc sản cần kết nối, tiêu thụ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nhất là an toàn thực phẩm, có đầy đủ thông tin về đơn vị sản xuất. Đặc biệt, các sản phẩm chú ý nhiều hơn đến tính thẩm mỹ, trình bày đẹp mắt.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hả đánh giá, chương trình giao thương, kết nối cung cầu là giải pháp quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao vai trò của Hà Nội trong kết nối hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Hà Nội không chỉ là trung tâm bán lẻ mà còn là trung tâm bán buôn, đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Xu hướng hiện nay là thương mại điện tử. Nếu Hà Nội phát triển được trang thương mại điện tử có uy tín, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ giúp thương mại phát triển tốt nhất, không chỉ cho thành phố mà còn cả các tỉnh, thành phố khác.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng phản ánh, trong quá trình tìm kiếm nguồn cung, các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cần số lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, cho nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung – cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ…

Đại diện các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị đều bày tỏ mong muốn Hà Nội hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội trực tiếp tới các tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư, kết nối giao thương với các doanh nghiệp của tỉnh.

kngt

Tại hội nghị, đã có 400 biên bản ký kết, ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố. Dự kiến giá trị hàng hóa của các tỉnh, thành phố đưa về địa bàn Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Mậu Tuất đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016. Giá trị hàng hóa cho cả năm 2018 khoảng gần 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội).

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động đề xuất, phối hợp Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương; Chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa vào kênh phân phối bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường

. Theo moit.gov.vn