30/09/2017

Kết nối cung cầu nguyên liệu ngành mây tre đan giữa Hà Nội và các tỉnh miền Trung

Ngày 29/9, tại Nghệ An, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành mây tre đan giữa Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

kncc

Hội nghị nhằm giúp các doanh nghiệp làng nghề mây tre đan Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu đầu vào và giúp các cơ sở sản xuất các tỉnh miền Trung tiêu thụ bán thành phẩm, sản phẩm ổn định, lâu dài,

Hiện Hà Nội có 365 làng nghề và làng có nghề mây tre đan với gần 33 nghìn hộ gia đình, gần 200 doanh nghiệp, HTX đang làm nghề, thu hút trên 100 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 35-40 triệu đồng/người/năm.

Theo số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, trung bình mỗi năm, các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.700 tấn nguyên liệu các loại, trong đó, trung bình một doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 40 tấn nguyên liệu/tháng, hộ gia đình tiêu thụ khoảng 15 tấn nguyên liệu/tháng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Xuân Thủy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp Hà Nội- cho biết, hiện nay, nguồn cung nguyên liệu chính cho các làng nghề mây tre đan của Hà Nội là từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp sản xuất mây tre đan Hà Nội, nguồn cung nguyên liệu đầu vào trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu, phần nào đã tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là triển khai các đơn hàng lớn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguồn nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, không chỉ làm giảm doanh thu, thu nhập người động mà còn làm giảm doanh thu, thu nhập người lao động, giảm lòng tin, uy tín của doanh nghiệp đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh và khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu ngành mây tre đan, ông Bùi Trầm- Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An – cho hay, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu mây tre ngoài đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp hàng mây tre, còn góp phần tăng độ che phủ và khả năng phòng hộ rừng, chống xói lở đất tại vùng đầu nguồn, ven sông, ven suối; Phát triển nguồn nguyên liệu cho nghề sản xuất hàng mây tre đan nhằm từng bước gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng mây tre đan. Theo số liệu điều tra, thống kê toàn tỉnh Nghệ An đến nay, có hơn 112 nghìn ha rừng tre nứa, song mây.

Ông Bùi Trầm cho biết thêm, mây tre đan là một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang được tỉnh quan tâm và phát triển. Tỉnh Nghệ An đã dành nhiều ngân sách ưu đãi như khuyến khích phát triển nguyên liệu mây tre đan, các ngành nghề nông thôn, phát triển khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất, chính sách về đầu tư tín dụng… Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề mây tre đan trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016 đạt hơn 68 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 1 triệu USD. Nghệ An là tỉnh có tiềm năng thế mạnh phát triển vùng nguyên liệu mây tre đan. Tỉnh đã quy hoạch và hàng năm đều rà soát bổ sung quy hoạch nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho cung cấp nguyên liệu sản xuất một cách ổn định và bền vững. Trên thực tế, tiềm năng thế mạnh của ngành nghề mây tre đan ở Nghệ An rất lớn, sản phẩm đa dạng, hiện đang rất cần tiêu thụ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tổ chức hội nghị lần này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Hà Nội gặp gỡ, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, gia công bán thành phẩm, thành phẩm tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh một cách ổn định, lâu dài, có chất lượng.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các tỉnh Bắc Trung Bộ có cơ hội tìm kiếm đơn vị bao tiêu sản phẩm, mở rộng sản xuất, gia công bán thành phẩm, thành phẩm mây tre đan, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho lao động các vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, hàng năm, nước ta tiêu thụ từ 400-500 triệu cây tre nứa và từ 600-800 tấn song, mây nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu.

Theo BaoCongThuong.com.vn