Kế hoạch bảo tồn làng nghề của Hà Nội: Tạo sự thay đổi về chất
Kế hoạch về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 đã được UBND thành phố ban hành, dự kiến 50 dự án sẽ được hỗ trợ thực hiện, kỳ vọng mang lại sự thay đổi về “chất” cho các làng nghề.
Theo bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cơ bản Hà Nội không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, làng nghề hầu hết duy trì được đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Dù lợi nhuận gần như không có do chi phí đầu vào tăng cao, nhưng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đây vẫn là thành công lớn của các doanh nghiệp.
Thực hiện các giải pháp nhằm mang lại sự thay đổi cho các làng nghề
Sức chống chịu dẻo dai của doanh nghiệp khu vực nông thôn có được một phần nhờ vào hệ thống chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn được thành phố chú trọng xây dựng và ban hành qua nhiều năm. Mới đây, Kế hoạch về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 cũng đã được UBND thành phố ban hành, kỳ vọng mang lại sự thay đổi về chất cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Kế hoạch xác định tập trung vào 5 nhóm nội dung, gồm: Rà soát, hoàn thiện chính sách; bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, phát triển nghề mới; đào tạo nguồn nhân lực làng nghề; tăng cường bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đáng chú ý, thành phố sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống. Xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Tập trung nguồn lực, ưu tiên bảo tồn 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu.
Khuyến khích sử dụng phương thức truyền thống kết hợp cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất thủ công mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm. Chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, hội tụ những tinh hoa truyền thống và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề.
Thành phố cũng hỗ trợ các làng nghề truyền thống đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, máy móc nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Giai đoạn 2022-2025, dự kiến hỗ trợ 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn.
Cùng với nhiệm vụ triển khai kế hoạch, theo bà Trần Thị Phương Lan, năm 2022, Sở Công Thương thành phố cũng tập trung cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận nói riêng và doanh nghiệp làng nghề nói chung ổn định nguồn cung lao động, kết nối chuỗi sản xuất. Đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để thuận lợi trong triển khai các hoạt động hỗ trợ làng nghề, ngành nghề nông thôn, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, cần phân định rõ ngành nghề nào thuộc quản lý của ngành Công Thương, ngành nghề nào thuộc quản lý của ngành nông nghiệp để có định hướng phát triển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, cần số hóa cho ngành nghề nông thôn và có sự kết nối đồng bộ quản lý từ Trung ương đến địa phương trong triển khai thực hiện.
Với nhiều loại hình hoạt động dự kiến được triển khai, Hà Nội nỗ lực bảo tồn và phát triển về chất cho các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia