Hướng đến khối doanh nghiệp dễ bị tổn thương
Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp 41% GDP, 33% nguồn thu ngân sách và tạo ra 77% việc làm, nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
8 tháng đầu năm, rất dễ tìm ra các dấu + (tăng trưởng dương) của nhiều chỉ tiêu cơ bản. Xuất khẩu tiếp tục dẫn đầu, tăng 18%. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng trên 10%. Bằng nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu, xuất siêu đã quay trở lại trong 2 tháng gần đây. Tháng 7, nền kinh tế xuất siêu 266 triệu USD, tháng 8, ước tính khoảng 400 triệu USD, đưa nhập siêu trong 8 tháng chỉ còn 2,13 tỷ USD, chiếm 1,59% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mức 5% Quốc hội giao.
Tiếp đến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng đạt 8,9%, cao hơn mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm 2016.
Các chỉ số tăng trưởng tín dụng, chỉ số sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, khối lượng vận chuyển hàng hóa, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp tăng vốn, quay trở lại hoạt động… có mức tăng trưởng ấn tượng. Nhìn chung, bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm gam màu sáng đang lấn át mảng màu xám.
Mặc dù vậy, một vấn đề rất đáng quan tâm, gần 8 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm, trong đó, chiếm 92,2% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn dưới 10 tỷ đồng.
Số liệu này cũng trùng với đánh giá của một Hội nghị APEC năm 2017 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” rằng, ở Việt Nam doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình có tỷ lệ thua lỗ trên 50%.
Trong khi đó, với Việt Nam, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò rất quan trọng, chiếm đến 97% số lượng doanh nghiệp, đóng góp 41% GDP, 33% nguồn thu ngân sách và tạo ra 77% việc làm.
Phân tích của các tham luận tại Hội nghị APEC nói trên cho thấy, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu hết có trình độ quản trị, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính hạn chế nên khi thị trường có biến động mạnh, như giá nguyên liệu đầu vào tăng, cầu đầu ra trong nước và thế giới suy yếu… thì họ sẽ là đối tượng chịu tổn hại lớn nhất. Các số liệu thống kê cũng cho thấy đang hình thành làn sóng phá sản doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra 77% việc làm.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2017, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong phiên họp Chính phủ ngày 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, gánh nặng về thuế, phí đối với doanh nghiệp còn rất lớn, phải tìm cách tháo gỡ. Thủ tướng đưa ra 2 ví dụ. Thứ nhất, chu kỳ nuôi gà để đưa ra thị trường chỉ mất 40 ngày, nhưng hoàn thành thủ tục để tiêu thụ thịt gà còn phức tạp và dài ngày hơn cả chu kỳ nuôi gà. Thứ hai, một chiếc bánh sô cô la muốn đưa ra thị trường phải có 13 loại giấy phép. Trong gánh nặng thuế phí và thủ tục đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Bởi vậy, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, cần có những biện pháp hỗ trợ được thiết kế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, các biện pháp này bao gồm:
– Hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng cần
– Hỗ trợ doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (bước qua giai đoạn bỡ ngỡ) sang hình thức pháp nhân có ràng buộc nhất định về pháp luật.
– Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
– Xây dựng các chương trình đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc xây dựng các chương trình đào tạo, tư vấn nhằm nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, đặc biệt về chiến lược kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực chưa thu hút được các chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ, mà lý do cơ bản nhất là chủ quan. Phần lớn các chủ doanh nghiệp nhỏ cho rằng điều hành một doanh nghiệp nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm, không cần đến các kỹ năng bài bản. Khi gặp các vấn đề về thuế, nhân lực, công nghệ… thì tự mày mò tìm hiểu hoặc thuê tư vấn theo vụ việc, với cung cách đụng đâu tháo gỡ đó, không có hệ thống, nhưng lại hài lòng với cách xử lý tạm bợ này.
Do đó, truyền thông xã hội về công tác đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ cần phải được đi trước một bước, vừa hướng đến khơi dậy khát vọng nghĩ lớn, làm lớn, vừa làm sáng rõ tầm quan trọng của kỹ năng điều hành doanh nghiệp hệ thống, bài bản, trong bối cảnh thị trường ngày càng “mở” hơn, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Theo tapchicongthuong.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH