17/07/2017

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 6 năm 2017

Vấn đề tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty; xử lý 12 dự án lớn của Ngành; xuất nhập khẩu; tổ chức cán bộ; xúc tiến thương mại; thị trường trong nước… là những vấn đề được phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm tại cuộc Họp báo Thường kỳ Bộ Công Thương tháng 6 năm 2017 vừa diễn ra sáng nay. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương chủ trì Họp báo.

Công nghiệp chế biến chế tạo – điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành

Báo cáo tóm tắt về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2017 của ngành Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt, 6T/2017 tăng 6,2%. Tuy nhiên, mức tăng IIP của 6T/2017 vẫn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 (6,2% so với 7,2%). Nguyên nhân chủ yếu là do ngành khai khoáng sụt giảm và ngành điện tăng thấp. Đáng ghi nhận là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và đặc biệt tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (10,5% so với 10,2%).

bcthtk

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương chủ trì họp báo

Sản xuất công nghiệp của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và đặc biệt tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016: Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 6T/2017 của nhóm này tăng 10,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,2%); 5 tháng năm 2017 tăng 9,7%; 4 tháng năm 2017 tăng 9,2%; 3 tháng năm 2017 tăng 8,3%; 2 tháng năm 2017 tăng 7,9%). Trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm, đây là nhóm đóng vai trò quan trọng, là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.

Sản xuất và phân phối điện 6 tháng tăng trưởng ở mức 8%. Mức tăng này thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ 6 tháng 2016 tăng 11,2%). Nguyên nhân chính khiến tốc độc tăng chung của nhóm ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm 2017 tăng thấp chủ yếu do điện thương phẩm cho nhóm quản lý và tiêu dùng dân cư tăng rất thấp 3,73% (thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 là 10,6% và của cả năm 2016 là 9,2%). Trong khi đó, điện thương phẩm cho nhóm công nghiệp – xây dựng vẫn tăng cao 11,8% (cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2016 là 10,4% và của cả năm 2016 là 11%).

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8%, là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản); và tăng cao qua các tháng. Một điểm đáng chú ý là sự đóng góp vào thành công về tăng trưởng của nhóm hàng nông lâm thủy sản do công tác phát triển và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ kết quả của các đoàn ngoại giao cấp cao nước ta thời gian qua. Chẳng hạn, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài),…

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khối doanh nghiệp trong nước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 60,66 tỷ USD, tăng 28,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ước là 2,78 tỷ USD, chiếm 2,8% KNXK (thấp hơn mức nhập siêu theo mục tiêu cả năm là 3,5% so với KNXK).

Trong nước, thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp khá dồi dào, đa dạng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 1.924.124 tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó các nhóm chính là lương thực, thực phẩm và lưu trú ăn uống có mức tăng cao lần lượt 10,2% và 12%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng tăng khoảng 8,4%, đây là mức tăng khá tốt trong thời gian khá dài gần đây (từ năm 2011 đến 2016 thường tăng quanh mức 4,8-7,6%) cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.

Khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Để hoàn thành mục tiêu phát triển được Đảng, Chính phủ giao cho ngành Công Thương trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số giải pháp lớn và mang tính nền tảng như sau:

Về sản xuất công nghiệp:

Một là, khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lớn của nền kinh tế.

Hai là, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí… để giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất.

Ba là, rà soát, tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước và tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Bốn là, tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất…) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm là, thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTAs và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.

Sáu là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, theo đó tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là: (1) hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; (2) đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Về xuất nhập khẩu, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; Tăng cường công tác thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường;

Về phát triển thị trường trong nước:

Thúc đẩy sức mua trên thị trường trong nước: Tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, dịp cuối năm. Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường xã hội;

Hoàn thiện “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công khai minh bạch, có sự giám sát để tránh thất thoát

Tại buổi Họp báo, nhiều vấn đề “nóng” của ngành Công Thương nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, truyền thông.Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trực tiếp giải đáp thắc mắc một cách cụ thể.

Về 4 đề án tái cơ cấu của 4 Tập đoàn thuộc Bộ,đại diện Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương), bà NguyễnThị Hoa – Phó Vụ trưởng cho biết, Bộ Công Thương hiện đã trình Thủ tướng đề án của 03 Tập đoàn là Dầu khí, Hóa chất và Điện lực. Còn 01 Đề án của Tập đoàn TKV hiện Bộ đang hoàn thiện và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Bộ Công Thương sẽ chính thức làm việc cụ thể với các đơn vị. Về vấn đề tránh thất thoát trong quá trình cổ phần hóa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công khai minh bạch, đúng các quy định, có sự giám sát của các cơ quan chức năng thì sẽ tránh được vấn đề tiêu cực trên.

Bàn về tiến độ xử lý các dự án yếu kém của Ngành, ông Dương Duy Hưng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương. Từ ngày 17/12/2016 đến ngày 16/01/2017, trong vòng 1 tháng, Ban chỉ đạo đã làm việc với 9/12 dự án, với từng Giám đốc, quản đốc phân xưởng… để nắm được tình hình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để có chỉ đạo, xử lý. Từ đó đến nay, có gần 200 văn bản chỉ đạo rất sát đối với từng vấn đề, từng Dự án. Đến thời điểm này, trên cơ sở chỉ đạo, tháo gỡ như vậy, một số Dự án đã có chuyển biến ban đầu rất tốt, đặc biệt là nhóm Dự án 4 nhà máy phân bón, đã đi vào sản xuất trở lại, có hiệu quả. Hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho. Thời gian tới sẽ còn nhiều vấn đề tiếp tục phải triển khai.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch nhấn mạnh, nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên của Thủ tướng cũng như của Ban chỉ đạo là làm cho Dự án tốt lên, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng của từng Dự án. Nguyên tắc thứ hai là ngay lập tức các Tập đoàn, Tổng công ty, các chủ đầu tư, Nhà máy của các Dự án phải nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này Bộ Công Thương đã có chỉ đạo trực tiếp và rất sát sao. Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, của Thường trực Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo… theo đúng các tiêu chí, mục tiêu đặt ra. Theo lộ trình như vậy, trong tháng 7 Bộ Công Thương sẽ có phương án trình Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về các phương án xử lý triệt để các dự án.

Liên quan đến việc tiêu thụ than giữa EVN và TKV, việc EVN đề nghị giảm mua của TKV 2 triệu tấn than, TKV kêu khó khăn vì than tồn rất lớn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều buổi làm việc với hai đơn vị, có sự tham gia của các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương. Theo Thứ trưởng, một mặt ưu tiên sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng than của TKV (bởi đối với TKV, điều này liên quan đến 113 ngàn người lao động) nhưng môt mặt vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thị trường. Nghĩa là, bất kỳ hàng hóa, sản phẩm nào cũng cần đảm bảo yếu tố cạnh tranh về giá cả, chất lượng trên thị trường. Đó cũng là lí do vì sao thời gian qua có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu than trong quá trình sản xuất, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của yếu tố thị trường.

Khi được hỏi về nhận định của Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Xúc tiến thương mại) về việc Uber và Grab liên tục khuyến mại gây mất bình đẳng trong cạnh tranh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm, các doanh nghiệp có thể có nhiều khuyến mại nhưng vẫn phải đăng ký và tuân thủ đúng theo quy định pháp luật. Người phát ngôn Bộ Công Thương – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sự ra đời của Uber và Grab đã đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, về giá cả và về chất lượng. Thứ trưởng cho biết, bất kỳ loại hình kinh doanh nào, doanh nghiệp nào khi thực hiện ở Việt Nam đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Về phía Bộ Công Thương, Bộ rất quan tâm đến tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng của hai loại hình kinh doanh này. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng giám sát hai loại hình này ở hai lĩnh vực mà Ngành quản lý.

Theo Moit.gov.vn