Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2017 tại Nghệ An: Cơ hội cho 3 nhà
Chiều ngày 1/12, Sở Công Thương Nghệ An tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam; Lãnh đạo sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – nhận định, vấn đề kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm chủ lực tiêu biểu mang lại việc làm, đời sống, thu nhập cao cho người dân. Hội nghị lần này là một trong những hoạt động chính của đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Lê Xuân Đại cũng giới thiệu một số sản phẩm chủ lực là thế mạnh và đặc trưng của tỉnh Nghệ An, đó là: Tinh bột nghệ Hoa Sơn, tương Nam Đàn, cam Vinh Kỳ Yến, nước mắm Vạn Phần Diễn Châu, miến dong Nam Đàn, lươn thành phẩm đã đi vào các hệ thống phân phối của siêu thị Vinmart, siêu thị Tứ Sơn An Giang, siêu thị Intimex, các nhà phân phối ở chợ Hàn Đà Nẵng, hệ thống các đại lý, cửa hàng bán lẻ ở các Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, Nghệ An có 157 làng nghề, 647 hợp tác xã và hơn 8.500 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại mẫu mã, độc đáo, thu hút khách du lịch.
Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tích cực chỉ đạo Sở Công Thương cùng với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn đồng hành với các tổ chức, cá nhân trong Chuỗi sản xuất, cung ứng, thu mua, chế biến sản phẩm hàng hóa, triển khai thành công một số biện pháp nhằm kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…, các hoạt động, chương trình kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.
Nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Nghệ An đã vào các hệ thống phân phối tại: TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, An Giang, Đà Nẵng, Hà Nội… Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất bước đầu đã được tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại, đã nắm bắt được xu thế thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó thay đổi chiến lượng kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp hơn. Qua đó, thúc đẩy có hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương; hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…
Để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, kết nối giao thương với các tỉnh bạn và để hoạt động kết nối cung – cầu trở thành hoạt động thường xuyên và đạt kết quả thiết thực, đi vào chiều sâu; các tham luận tại hội thảo đều chung quan điểm: Thời gian tới, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất – lưu thông – phân phối giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị có liên quan, để tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa kép kín; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối một cách đồng bộ, tạo nguồn hàng ổn định cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, góp phần ổn định thị trường.
Nhiều đại diện của các trung tâm xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và các nhà phân phối sản phẩm mong muốn lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng các sở, ban, ngành có những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp và có những giải pháp cụ thể thiết thực hơn nữa đối với các loại nông nghiệp đặc thù. Tại hội thảo, ông Trần Duy Khanh- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến nông sản sạch Hà Nội – chia sẻ: “Nghệ An có đầy đủ tiềm năng thế mạnh, cả nước có gì Nghệ An có cái đó. Cái thiếu hiện nay ở Nghệ An là sự liên kết giữa bà con nông dân với người tiêu dùng và nhà sản xuất. Chìa khóa để giải được vấn đề hiện nay là đưa khoa học công nghệ vào; chìa khóa thứ 2 là quản lý là sản xuất và tổ chức tiêu thụ…”.
Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng nguyên tắc, hợp tác kinh doanh, ký kết hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ.
Theo BaoCongThuong.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH