Hoạt động khuyến công hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp
Thời gian qua, hoạt động khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm, nhất là ở những ngành nghề có thế mạnh, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp mang tính bền vững.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương: Mặc dù nguồn kinh phí khuyến công còn hạn hẹp song hoạt động khuyến công của tỉnh đã thực hiện nhiều nội dung nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp, TTCN trên địa bàn như: Hỗ trợ thành lập mới các doanh nghiệp công nghiệp; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ mới; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của tỉnh; đưa các sản phẩm tham dự bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp Quốc gia… Kết quả 2 năm 2018 – 2019 đã có 22 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện, từ đó đã hỗ trợ doanh nghiệp địa phương đầu tư phục vụ sản xuất các sản phẩm lợi thế, sản phẩm CNNT tiêu biểu như: Chế biến gỗ, chế biến chè, nông sản, sản xuất thịt chua, sản xuất hàng cơ khí, thủ công mỹ nghệ… Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia là: Mì gạo Hùng Lô, Dầu thực vật Ngọc Tân.
Đáng chú ý, bên cạnh việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng năm của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương- đơn vị trực tiếp quản lý nguồn vốn khuyến công còn hỗ trợ các cơ sở tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ trong nước, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu do Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh tổ chức, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Ngoài ra còn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp như tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối giao thương hàng hóa, tham gia sàn thương mại điện tử: giaothuong.net.vn để quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp…
Theo đánh giá của ngành công thương, không ít đề án được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ván, gỗ ép xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hà Thái, Công ty TNHH Xây dựng Tân Tiến, Công ty CP Đầu tư và phát triển Tân Sơn… Hiện nay dự án của Công ty TNHH Xây dựng Tân Tiến và Công ty CP Đầu tư và phát triển Tân Sơn đã hoàn thành đi vào sản xuất ổn định, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương; dự án của Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hà Thái đã cơ bản đầu tư xong dây chuyền thiết bị, sẽ đưa vào sản xuất ổn định trong quý IV/2019. Một số đề án khác sau khi được hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cũng góp phần đáp ứng yêu cầu đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, tạo sự yên tâm để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng như: Đề án hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm CNNT gồm chè, thịt chua; trong đó thịt chua Thanh Sơn của HTX Thịt chua Thanh Sơn, chè Long Cốc của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc đều được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt sản phẩm Thịt chua Thanh Sơn được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019. Cũng trong năm nay, có thêm các sản phẩm: Chè Thanh Hà của HTX sản xuất chè an toàn Thanh Hà, chè Suối Reo của HTX chè Suối Reo (huyện Thanh Sơn) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chấp nhận đơn hợp lệ, dự kiến đến năm 2020 sẽ được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương – Q.Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công, hàng năm trong quá trình khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công, Trung tâm luôn chú trọng đánh giá đúng khả năng, thực tế hoạt động của doanh nghiệp, không chỉ hỗ trợ kinh phí mà còn tạo thêm nhiều điều kiện khác cho các cơ sở CNNT tiếp tục phát triển sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân phát triển tại địa phương. Qua đó, giúp cơ sở công nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn và tiếp cận thiết bị công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.
Nguồn: https://baophutho.vn/
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia