Hoạt động khuyến công – “Bà đỡ” cho công nghiệp nông thôn phát triển
Những năm qua, ngành Công Thương đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT – XH của đất nước; trong đó, hoạt động khuyến công ở Trung ương và các địa phương thực sự đã đóng vai trò không nhỏ vào thành công chung của Ngành.
Giám đốc Công ty TNHH Palltet Môi trường xanh Đông Hưng Ngô Duy Đông (người bên trái) giới thiệu dây chuyền sản xuất nhựa Palletet
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thông qua Cục Công Thương địa phương còn là cầu nối giúp cho các Hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí truyền thông đến được gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình, thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo hướng bền vững.
Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam (VASMIE) là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, hoạt động vì cộng đồng và phi lợi nhuận. Trong 10 năm qua, Hiệp hội đã bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để định hướng hoạt động cho các doanh nghiệp (DN) hội viên. Trong đó, thông qua các đợt khảo sát tại các địa phương, VASMIE đã thực hiện chức năng tư vấn, giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các DN công nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình… sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương để mở rộng SX-KD, khai thác và phát triển công nghiệp khu vực nông thôn. Qua những chuyến đi khảo sát, nắm bắt thực trạng, Hiệp hội đã tổng hợp được nhiều những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các địa phương, các DN và hộ gia đình.
Với mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công trên cả nước, Chương trình Khuyến công Quốc gia từ nhiều năm qua như “Bà đỡ” hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thúc đẩy phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị; ứng dụng công nghệ; nâng cao năng lực quản lý; tổ chức các khóa đào tạo nghề, truyền nghề; hội chợ, triển lãm; phát triển làng nghề…, nhằm giải quyết việc làm; tạo ra những sản phẩm có chất lượng đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, CNNT theo hướng công nghiệp hóa.
Minh chứng cho những thành quả trên, có thể kể tới Công ty TNHH Palltet Môi trường xanh là một trong những doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu trong ngành sản xuất nhựa Việt Nam hiện nay có trụ sở tại xã Đông Động, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 2019 – 2020, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền thiết bị tiên tiến để sản xuất tấm Pallet nhựa phù hợp trong vận chuyển hàng hóa do tính năng chịu lực tốt, không mối mọt, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Với kinh phí hỗ trợ không lớn từ nguồn khuyến công quốc gia và sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình, Công ty cũng đã xây dựng và thực hiện thành công Đề án mô hình trình diễn kỹ thuật toàn bộ dây chuyền thiết bị, sản xuất tấm Palltet nhựa, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình Hà Văn Hải trao đổi thông tin với Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Đừng
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Văn Trung – Chủ hộ kinh doanh sản xuất đồ gỗ tại xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, hồ hởi chia sẻ với đoàn công tác của VASMIE: “Đầu năm 2020, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã quyết định hỗ trợ hộ gia đình chúng tôi gần 185 triệu đồng trên tổng số kinh phí phê duyệt thực hiện đề án là 485 triệu đồng, để mua mới 01 máy dán cạnh gỗ (Model TZ803-II) và 01 máy cưa bàn trượt để sản xuất và gia công đồ gỗ. Sau một thời gian sử dụng hệ thống máy móc mới đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho gia đình với năng suất lao động được nâng cao, đem lại lợi nhuận hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng…
VASMIE đánh giá rất cao vai trò của Cục Công Thương địa phương trong việc tổ chức triển khai các Đề án về hoạt động khuyến công, bởi trong bối cảnh nguồn kinh phí Nhà nước dành cho khuyến công ngày càng hạn hẹp, trong khi nhiệm vụ và đối tượng thụ hưởng không ngừng được mở rộng, đòi hỏi phương pháp triển khai của cơ quan chức năng Bộ Công Thương cũng phải chặt chẽ, khoa học. Cục Công Thương địa phương đã đổi mới nhiều cách làm sáng tạo, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá chất lượng của từng tổ chức, cá nhân, đơn vị, địa phương, kiên quyết không đầu tư dàn trải, kiểu coi tiền Nhà nước như tiền chùa. Việc gần đây, Cục Công Thương địa phương đã mạnh dạn cắt giảm hàng loạt các đề án từ các cơ quan, đơn vị, các tỉnh, thành phố, qua đó lựa chọn những cơ sở, DN, địa phương, những đề án thực sự kích thích CNNT phát triển cho thấy, trách nhiệm xã hội, tinh thần và thái độ làm việc nghiêm túc, sâu sát của cán bộ công chức, viên chức của đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã thực sự chuyển biến vì lợi ích quốc gia, DN và người dân…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và Chỉ thị số 04 ngày 19/2/2021 về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021 – 2025, Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam xin kiến nghị: Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động khuyến công một cách sâu rộng, không chỉ Trung ương, mà ở cả các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở CNNT trong việc ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tư vấn nâng cao năng lực quản trị cho các DN, cơ sở CNNT; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; lập quy hoạch chi tiết, nhất là hỗ trợ sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Tiếp tục phát huy, đổi mới phương thức xét duyệt, lựa chọn hỗ trợ những đề án khuyến công, khuyến khích những tổ chức, cơ quan, DN vừa và nhỏ mới thành lập đã hoạt động hiệu quả, để họ có điều kiện được tiếp cận với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt là hàng năm, hoặc 5 năm một lần nên xét chọn những tập thể, cá nhân thực hiện xuất sắc các đề án khuyến công để đề nghị Bộ Công Thương khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho các cơ quan, tổ chức, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển bền vững.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024