18/10/2017

Hiệu quả từ tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp

Với mong muốn phát triển công nghiệp bền vững, tăng hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu và giảm phát thải môi trường cho các doanh nghiệp đang là xu hướng tăng trưởng kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường.

hqttknl

Năng lượng mặt trời là xu hướng mới không gây ô nhiểm môi trường được triển khai rộng rãi

Hội thảo giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (SXSH) do Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức tại Long An vừa qua được Sở Công Thương các tỉnh và nhiều doanh nghiệp (DN) khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham gia thảo luận sôi nổi, nhằm góp phần nâng cao hiểu quả trong sử dụng tiết kiệm năng lượng phát triển bền vững. Nhất là các DN sản xuất công nghiệp, DN sử dụng năng lượng có xu hướng xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, lâu dài và bền vững được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Công Thương và Dự án quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh ở Việt Nam (Dự án VPEG).
Từ thực tế cho thấy, SXSH có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay nhỏ, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng. Nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích cả về mặt môi trường. Các DN sau khi áp dụng chương trình SXSH sẽ giảm thiểu các tổn thất về nguyên vật liệu và năng lượng sử dụng, nhất là trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm và giá cả nguyên vật liệu leo thang không ngừng.
Ông Dương Văn Hoàng Hoanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An – cho biết, tính đến tháng 9/2017, trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, với 16 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp, hiện nay nhiều DN đã áp dụng SXSH mang lại hiệu quả cao. Theo đó tổng điện năng tiết kiệm trên địa bàn (từ năm 2011 đến 9/2017 ) là 375,5 triệu kwh, đạt 2,58% tổng mức tiêu thụ điện năng. Ngoài ra còn tiết kiệm cho toàn xã hội chi phí mua điện khoảng 450 tỷ đồng/năm, góp phần giảm trên 210.000 tấn CO2 phát thải ra môi trường, qua đó giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và giảm bớt áp lực đầu tư nguồn điện.
Khi được phổ biến Chương trình SXSH của Hợp phần CPI (Bộ Công Thương), các DN đều tham gia chương trình, ông Nguyễn Đức Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Tân An – cho biết, trong quá trình áp dụng SXSH, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt các hệ thống công tắc treo, đồng hồ đo điện – nước – dầu FO, bố trí hệ thống chiếu sáng hợp lý theo quy trình của SXSH. Sau một năm áp dụng, giảm 80% lượng tiêu thụ điện chiếu sáng, 43% lượng nhiên liệu sử dụng và 28% lượng nước tiêu thụ so với thời điểm chưa áp dụng mô hình SXSH, công ty đã tiết kiệm được gần 13 tỷ đồng về điện và dầu FO, giảm thải ra môi trường trên 10.000 tấn CO2, giá đầu ra của thành phẩm giảm được 10%.
Cùng áp dụng các giải pháp đó, Công ty Cổ phần Giấy Long An đầu tư khoảng 840 triệu đồng cho việc lắp đặt hệ thống kiểm tra tiêu thụ nguyên liệu theo 27 chỉ tiêu, giúp tiết kiệm gần 9 tỷ đồng/năm, tăng 25% công suất sản xuất, giảm lượng mì vụn từ 9% xuống 5%, giảm 68% lượng nước thải, 30 – 35% tải lượng ô nhiễm hữu cơ và giảm lượng khí thải đáng kể, ông Hoàng Hiệp – Giám đốc công ty cho biết.
TS Lê Anh Kiên – Viện Nhiệt đới và môi trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết, hiệu quả của chương trình SXSH đối với các DN và môi trường sống là rất rõ, thế nhưng không phải DN nào cũng nhận thức được đầy đủ để mạnh dạn đầu tư do chưa có ý thức cao trong vấn đề bảo vệ môi trường, DN thiếu vốn đầu tư, vai trò quản lý của chính quyền về môi trường cũng rất cần thiết, cần có những chính sách ưu đãi, (đặc biệt là ở các DN vừa và nhỏ). Do vậy, Nhà nước có những biện pháp khuyến khích cho SXSH, tạo điều kiện đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất bằng cơ chế cho vay vốn ưu đãi. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về lợi ích của chương trình cho các DN nhận thức rõ để từ đó mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, việc đưa ra những chế tài xử lý những DN gây ô nhiễm cũng hết sức cần thiết, vừa tạo được sự công bằng và còn giúp DN ý thức hơn trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và phòng chống ô nhiễm môi trường.
Theo bà Đỗ Thị Minh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, việc áp dụng năng lượng tiết kiệm và SXSH của các DN là hết sức cần thiết trong thời hội nhập. Trong đó năng lượng mặt trời là nguồn tài nguyên vô tận, ít biến đổi, không gây ô nhiễm môi trường. Việc tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời và triển khai ứng dụng không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của xã hội, mà còn là giải pháp tốt về môi trường vì đây là nguồn năng lượng sạch, giúp tiết kiệm điện năng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đáng kể.
Theo BaoCongThuong.com.vn