24/09/2018

HanoiTex 2018- Cơ hội giúp doanh nghiệp dệt may tiếp cận công nghệ 4.0

Diễn ra từ ngày 19 đến 21/9/2018, Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu (HanoiTex 2018) giới thiệu thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ ngành công nghiệp dệt may của các doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây thực sự là một cơ hội để giúp doanh nghiệp ngành dệt may tìm hiểu và trang bị cho mình những thiết bị tiên tiến, tạo điều kiện tiếp cận với công nghệ 4.0.

Diễn ra từ ngày 19 đến 21/9/2018, Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu (HanoiTex 2018) giới thiệu thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ ngành công nghiệp dệt may của các doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây thực sự là một cơ hội để giúp doanh nghiệp ngành dệt may tìm hiểu và trang bị cho mình những thiết bị tiên tiến, tạo điều kiện tiếp cận với công nghệ 4.0.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang thăm các gian hàng tại hội chợ

Với tổng diện tích trưng bày trên 6.000 m2, HanoiTex 2018 là hoạt động xúc tiến thương mại thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, với hơn 120 công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may đến từ 12 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới tham dự, giới thiệu thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ cho thị trường ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam.

Triển lãm tạo điều kiện cho các công ty dệt may Việt Nam có cơ hội tìm hiểu, lựa chọn thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại được sản xuất từ các nước công nghiệp tiên tiến để định hướng đầu tư thêm công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hoá và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu của khách mua hàng nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, là một trong những triển lãm quốc tế uy tín tại Việt Nam và khu vực, HanoiTex 2018 là hoạt động thiết thực hỗ trợ phát triển ngành dệt may Việt Nam. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược đầu tư, hợp tác lâu dài. Đặc biệt, đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm hiểu, định hướng đầu tư thiết bị có công nghệ hiện đại được sản xuất từ các nước công nghiệp tiên tiến nhằm bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngoài việc đưa ra những thiết bị, công nghệ mới nhất ứng dụng cho ngành dệt may, HanoiTex 2018 cũng thu hút sự tham gia đông đảo của giới chuyên môn về kỹ thuật, thị trường trong ngành dệt may để cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những kiến thức mới, cũng như phương thức mới trong chuyên môn, đặc biệt là công nghệ và thị trường. Trong khuôn khổ cuộc Triển lãm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cùng các đối tác tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những kiến thức mới, cũng như phương thức mới trong chuyên môn.

Thực tế, để thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may bền vững, các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tự nâng cao năng lực cạnh tranh và đang quan tâm đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, thiết bị, công nghệ mới. Hiện ngành sợi đang là ngành có ứng dụng tự động hóa nhiều nhất trong sản xuất, và đã đem lại hiệu quả cao. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, doanh nghiệp dệt may cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để ứng dụng từng phần tự động hóa trong sản xuất, nhằm tăng năng suất lao đông, nâng cao năng lực cạnh tranh- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Triển lãm trưng bày những thiết bị, công nghệ mới nhất ứng dụng cho ngành dệt may

Theo nguồn tin báo công thương