Hàng Việt chinh phục doanh nghiệp và người tiêu dùng
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, mở ra cơ hội giúp hàng Việt chinh phục người tiêu dùng.
Người tiêu dùng tại Hà Nam ưu tiên mua hàng Việt Nam
Lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng
Để phục vụ cho người dân khu vực nông thôn được mua sắm hàng Việt dễ dàng, giá cả phải chăng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Hà Nam) đã thường xuyên tổ chức Phiên chợ hàng Việt. Gần đây nhất là phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng và xã Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm). Mỗi phiên chợ có sự tham gia của trên 10 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh, quy mô trên 20 gian hàng trưng bày, nhằm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương, bao gồm các mặt hàng: Ngành may mặc, đồ gia dụng, đồ dùng học tập, hàng điện tử, dịch vụ viễn thông, thực phẩm, công nghệ… do các DN Việt Nam sản xuất.
Diễn ra trong 4 ngày, phiên chợ đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân trong khu vực xã Đại Cương và các xã lân cận của huyện Kim Bảng đến thăm quan, mua sắm. Đây cũng là dịp để các DN nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng (NTD) và là cơ hội để các DN trong và ngoài tỉnh có điều kiện học tập kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, phát triển đại lý, mở rộng hợp tác sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo Sở Công Thương Hà Nam, hàng năm, thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), việc tổ chức các Phiên chợ, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thường xuyên được tổ chức. Hoạt động này không những có ý nghĩa tuyên truyền, vận động nhân dân, cơ quan, DN tham gia hưởng ứng CVĐ mà còn tạo điều kiện để để người dân nông thôn, miền núi trong tỉnh có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao với giá phải chăng. Song song với các hoạt động trưng bày, giới thiệu, mua bán hàng hóa tại phiên chợ, các DN còn tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm, tư vấn cho NTD cách lựa chọn sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối với nhà bán lẻ, đại lý mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nông thôn, miền núi. Qua đó, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển hệ thống phân phối lâu dài.
Đến nay, sau gần 10 năm triển khai, CVĐ trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã mang lại những kết quả tích cực, làm thay đổi thói quen và nhận thức của NTD về hàng Việt Nam, đặc biệt là người dân nông thôn, miền núi. CVĐ cũng đã tạo cơ hội cho các DN Việt Nam tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt. Từ đó, các sản phẩm của DN trong nước có thể nâng cao được vị thế, giá thành phù hợp với thị hiếu NTD.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về hàng Việt Nam tới người dân nông thôn
Cần thêm nhiều hỗ trợ
Song song với hiệu quả quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại Hà Nam vẫn còn một số tồn tại. Theo các DN tham gia chương trình, hoạt động thông tin tuyên truyền cho phiên chợ vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, dù đây là một chương trình hay nhưng phần lớn DN tham gia đều là DN vừa và nhỏ, thiếu kinh phí để khảo sát, nghiên cứu thị trường… Nhiều NTD vẫn còn hoang mang, lo lắng, có hay không hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào giữa các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”.
Do đó, hoạt động thông tin tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh và kéo dài để mọi người dân trong vùng đều biết đến tầm vóc, quy mô và ý nghĩa của các phiên chợ. Bên cạnh đó, cần thêm các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng cố định, bền vững sau các phiên chợ, nhằm tận dụng tối đa hiệu quả truyền thông các phiên chợ này có được. Đặc biệt, phải mạnh tay với các hành vi lợi dụng phiên chợ để trục lợi, kinh doanh trái phép các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến niềm tin của NTD và uy tín của DN.
Trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất với NTD, quảng bá thương hiệu, sản phẩm trong nước mà còn là giải pháp kích cầu, mở rộng thị trường. Ngoài ra, các chuyến hàng Việt về nông thôn đã không chỉ tạo cơ hội cho DN tiếp cận với thị trường nông thôn, miền núi còn bỏ ngỏ mà còn là cơ hội quảng bá cho DN và sản phẩm, đồng thời từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với NTD khu vực nông thôn, miền núi. Song song với việc tích cực tổ chức các phiên chợ trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Sở Công Thương Hà Nam xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam, nhằm có được hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, kinh doanh và tiêu thụ tốt hàng Việt Nam.
Theo Sở Công Thương Hà Nam, thành công lớn nhất khi triển khai các phiên chợ hàng Việt là hầu hết người dân vùng nông thôn, miền núi được tiếp cận với các sản phẩm sản xuất trong nước và hàng Việt Nam đã tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Theo kinhtevn.com.vn
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024