15/09/2018
Sở Công Thương Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết; quyết liệt cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi đưa công nghiệp và thương mại phát triển xứng với tiềm năng của Thủ đô.
Sở Công Thương Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết; quyết liệt cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi đưa công nghiệp và thương mại phát triển xứng với tiềm năng của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Ngành Công Thương Thủ đô phải chủ động tham mưu về cơ chế, chính sách để định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, trong đó có xuất khẩu, để Hà Nội thực sự phát huy vai trò, vị trí là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước
Đây là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc với Sở Công Thương ngày 13/9/2018.
Công nghiệp và thương mại giữ vững nhịp độ tăng trưởng
Thay mặt lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Trần Thị Phương Lan cho biết, trong những năm qua, Sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với UBND TP trong lĩnh vực công thương và đảm bảo phát triển đúng định hướng.
Cụ thể, về công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2018 tăng 7,4%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (6,5%). Trong đó, một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 17,2%; sản xuất da và sản phẩm liên quan tăng 16,6%… Về phát triển khu, cụm công nghiệp, trong 8 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thu hút được 17 dự án mới và 7 dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; tổng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh đạt trên 3,66 tỷ USD (tăng 7,1% so với cùng kỳ).
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 19%, cao hơn mức tăng cùng kỳ. Điểm nổi bật là kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng đều tăng so cùng kỳ. Đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng là hàng nông sản, tăng 42,8%; xăng dầu tăng 41%; dệt may tăng 16%. Thị trường tăng trưởng mạnh nhất là Malaysia tăng khoảng 80% so với cùng kỳ; Thái Lan tăng 27,1%; Hoa Kỳ tăng 18%, trong khi đó thị trường Trung Quốc chỉ tăng 1,2%, cho thấy thị trường xuất khẩu đã có sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang ASEAN. Ước cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng trên 10%, vượt mức chỉ tiêu HDNĐ Thành phố giao (tăng 7,5 – 8%).
Trong lĩnh vực thương mại, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi cùng 454 chợ dân sinh. Trong 8 tháng đầu năm, thành phố thu hút, phát triển thêm 4 trung tâm thương mại ở 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì.do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư với tổng diện tích trên 30ha và tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng. Trong 8 tháng, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 7.130 trường hợp, xử lý 6.718 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 50 tỷ đồng, tịch thu số hàng hoá trị giá 19 tỷ đồng…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện vẫn còn nhiều rào cản trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đề xuất thành phố tháo gỡ. Đáng chú ý, Sở kiến nghị thành phố sớm đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch (thuộc UBND thành phố) để khắc phục những vấn đề chồng chéo, bất cập đang nảy sinh.
Thành phố chỉ đạo đôn đốc, xử lý dứt điểm các dự án thương mại chậm triển khai, vì theo kết quả giám sát của HĐND thành phố, trong 161 dự án sử dụng đất chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, có 47 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đồng thời, thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí quỹ đất, căn cứ quy hoạch và nhu cầu phát triển của địa phương để lập danh mục chi tiết các vị trí đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng thương mại… Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan với ngành Công Thương còn bất cập, hiệu quả chưa cao.
Quyết liệt cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động ngành Công Thương đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý một số vấn đề. Trong đó, Sở Công Thương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, duy trì đoàn kết nội bộ; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch, hướng dẫn của thành phố về tổ chức bộ máy theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; phát huy năng lực, trình độ, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, Sở Công Thương cần mở nhiều kênh tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ và tham mưu các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Bí thư Thành ủy, thời gian tới, Sở Công Thương cần rà soát, làm rõ những hạn chế, khó khăn để tập trung khắc phục. Tiềm năng phát triển công nghiệp của thành phố rất lớn, nhưng hiện nay, mức độ phát triển chưa tương xứng, thậm chí đang chững lại. Kết quả xuất khẩu nhìn chung cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ cấu thành phần kinh tế trong xuất khẩu còn nghiêng quá lớn về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặt mục tiêu phát triển của ngành công thương trong bối cảnh phát triển chung của cả nước và có so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, thế giới, ngành Công Thương Thủ đô phải chủ động tham mưu về cơ chế, chính sách để định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, trong đó có xuất khẩu, để Hà Nội thực sự phát huy vai trò, vị trí là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước…- Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương điện tử
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH