Hà Nội phát triển cụm công nghiệp hiện đại
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp (CCN) hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh các CCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, quản lý chặt chẽ, còn nhiều CCN hình thành từ nhiều năm trước tồn tại nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng này, năm 2018, TP Hà Nội đã quy hoạch xây dựng mạng lưới CCN hiện đại, đáp ứng làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Ngọc Hồi.
Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các CCN trên địa bàn Hà Nội thời gian qua bước đầu đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh các CCN được đầu tư đồng bộ và quản lý chặt chẽ, còn không ít CCN có hệ thống hạ tầng sơ khai, công tác quản lý chưa tốt, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phòng, chống cháy nổ.
Đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất
Đến CCN Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), cảm giác giống như đi vào khu dân cư hơn là một khu sản xuất tập trung. Bởi hệ thống đường giao thông trong CCN khá rộng rãi, hai bên đường có những hàng cây xanh tỏa bóng mát, nhà xưởng được bố trí gọn gàng, ít tiếng ồn, cũng không thấy mùi dầu máy, hóa chất đốt hay nước thải công nghiệp nồng nặc. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì (đơn vị quản lý CCN Ngọc Hồi) Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, nhờ đầu tư bài bản, đồng bộ, cho nên chỉ hơn một năm sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng, diện tích của CCN đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định, đến nay đã được gần 14 năm. CCN được quy hoạch, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp điện, chiếu sáng, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm cấp nước sạch, trạm xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cây xanh… Toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong CCN được thu gom, qua xử lý mới được xả ra ngoài môi trường. Bùn cặn, chất thải rắn được đơn vị môi trường thu hồi, đem đi xử lý theo đúng quy định.
Cũng được đầu tư xây dựng từ những năm 2000, CCN Từ Liêm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm quản lý, rộng 65 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. 84 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất như cơ khí, in ấn bao bì, thực phẩm, thương mại,… đang hoạt động ổn định tại đây, tạo công ăn việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng ghi nhận: “Được hoạt động ổn định tại CCN giúp doanh nghiệp chúng tôi yên tâm sản xuất hơn, có các điều kiện thuận tiện về kho bãi, vận chuyển”.
Nằm ở phía nam Hà Nội, huyện Thường Tín có hàng trăm làng nghề, nhu cầu về mặt bằng sản xuất tập trung rất lớn. Trên địa bàn huyện hiện có mười CCN hoạt động – nhiều nhất trong số các quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Hầu hết diện tích các CCN ở đây đều đã được lấp đầy, với hơn 900 doanh nghiệp, hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động địa phương và vùng lân cận. Sự hình thành các CCN đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư như trước đây.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Đàm Tiến Thắng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 70 CCN hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, trong đó, có 1.392 ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các CCN đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Trong đó có 26 CCN có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ như các CCN: Quất Động mở rộng, Ngọc Hồi, Từ Liêm, thị trấn Phùng…, giúp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đóng góp tích cực cho kinh tế Thủ đô.
Tồn tại nhiều bất cập
Bên cạnh 26 CCN đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hoạt động ổn định, thì vẫn còn 44 CCN chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng theo quy định. Các CCN này mới chỉ tiến hành giao đất cho các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, không được xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, thiếu hệ thống phòng, chống cháy nổ, nhà điều hành, vỉa hè, cây xanh, hệ thống giao thông nội bộ nhỏ, hẹp… Đơn cử các CCN: Xà Cầu (huyện Ứng Hòa), Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), Bích Hòa (huyện Thanh Oai), Yên Sơn (huyện Quốc Oai)… Các CCN này đều nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ), hình thành từ giai đoạn trước khi sáp nhập Hà Nội – Hà Tây.
Công tác xử lý nước thải tại các CCN cũng là vấn đề khá nhức nhối. Trong số 70 CCN, mới có 26 cụm có trạm xử lý nước thải tập trung. Nhưng trong đó có không ít công trình xây dựng xong lại không phát huy hiệu quả. Trạm xử lý nước thải tại CCN Tân Triều (huyện Thanh Trì) được đầu tư xây dựng từ năm 2007, nhưng chưa hoạt động ngày nào. Còn trạm xử lý nước thải tại CCN Duyên Thái (huyện Thường Tín) sau hơn 5 năm vận hành đã phải dừng hoạt động từ năm 2017 do gặp khó khăn về kinh phí. Hầu hết các CCN có quy mô nhỏ tại các làng nghề, trong đó nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, trong quá trình hoạt động, chính quyền địa phương, Ban quản lý CCN còn buông lỏng quản lý khiến tình trạng vi phạm trật tự đã xảy ra tại nhiều CCN. Tại CCN Tiền Phong (huyện Thường Tín), có không ít hộ dân thuê đất sản xuất đã tự ý chuyển nhượng và xây dựng các công trình trái phép. Nhiều khu đất để làm nhà xưởng sản xuất đã trở thành nhà ở kiên cố. Tại CCN La Phù (huyện Hoài Đức), dọc hai bên tuyến đường chính của CCN xuất hiện nhiều công trình xây dựng kiên cố cao từ ba đến năm tầng. Đại diện UBND xã La Phù cho biết, do người dân vừa sản xuất vừa kết hợp làm nơi ở, cho nên ngay sau khi CCN đi vào hoạt động đã xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. Những năm gần đây, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân ngày càng lớn, dẫn đến việc người dân tìm mọi cách sửa chữa, cơi nới cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chính quyền đã xử lý nhiều công trình vi phạm, nhưng các chủ đầu tư vẫn cố tình tìm mọi cách để xây dựng. Nhiều công trình đã bị xử lý nhiều lần, nhưng chủ đầu tư vẫn lén lút xây dựng.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng lo ngại là công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các CCN. Hiện mới có bốn CCN được nghiệm thu về PCCC. Hầu hết các CCN còn lại chưa bảo đảm về yêu cầu giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, hệ thống trang thiết bị PCCC… Trong khi, với hoạt động sản xuất công nghiệp, mật độ xây dựng dày đặc trong các CCN luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, đe dọa đến sự an toàn về tính mạng và tài sản. Mới đây, ngày 30-11-2019, tại CCN Tiền Phong (huyện Thường Tín) đã xảy ra một vụ cháy lớn. Bảy xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sĩ đã tới hiện trường dập lửa, sau hơn hai giờ đám cháy mới cơ bản được dập tắt. Vụ hỏa hoạn tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi toàn bộ xưởng nguyên liệu vải, bông, hạt nhựa rộng gần 1.000 m2.
Những bất cập nêu trên tại các CCN trên địa bàn Hà Nội rất cần được khắc phục bằng những giải pháp căn cơ, bài bản.
Theo Báo Nhân Dân
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024