27/11/2018
Sự không thống nhất các quy định tại một số văn bản pháp lý khiến Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố.
Đầu tư vào CCN đòi hỏi thời gian dài và vốn lớn
Mâu thuẫn trong các quy định
Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển CCN thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Tổng số cụm được quy hoạch là 159 cụm, trong đó 70 cụm đang hoạt động; 73 cụm bổ sung mới; 16 cụm tồn tại từ nhiều năm trước hiện chưa triển khai đầu tư hoặc triển khai dở dang.
Theo ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, có xét đến năm 2030 được ban hành sau khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) được ban hành, do vậy đã kế thừa được nhiều ưu điểm từ văn bản này. Cụ thể là, những chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính…
Mặc dù vậy, tại Hội thảo “Đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, phát triển CCN” được tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng cho hay: Sau một năm triển khai, thành phố đang gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện các quy định tại nghị định này.
Nghị định 68 quy định, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý CCN. Đơn vị này thực hiện chức năng chủ trì thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án vào trong CCN. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đầu tư các chức năng này lại thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, tại các cuộc làm việc của UBND thành phố, vấn đề này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Cùng đó, các CCN trên địa bàn thành phố có nhiều nhà đầu tư quan tâm, có những cụm có từ 2 doanh nghiệp (DN) trở lên muốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm. Nghị định 68 nêu rõ, trong trường hợp này, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành căn cứ vào năng lực tài chính, kinh nghiệm của DN và tính khả thi của báo cáo đầu tư trình UBND thành phố lựa chọn chủ đầu tư.
“Chúng tôi thực hiện đúng như thế nhưng khi vào các cuộc họp tập thể của UBND thành phố, nhiều ý kiến cho rằng việc này không đúng và phải thực hiện đấu thầu”, ông Đàm Tiến Thắng cho hay.
Để giải quyết vướng mắc này, lãnh đạo UBND thành phố đã kết luận: UBND cấp huyện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để làm chủ đầu tư CCN. Sau khi đấu thầu, có quyết định chọn nhà đầu tư thì nhà đầu tư đó làm hồ sơ thành lập CCN theo Nghị định 68. Như vậy, thời gian từ lúc 1 DN đăng ký làm chủ đầu tư đến lúc có quyết định đầu tư là rất dài. Thực tế, Hà Nội đã có trường hợp 3-4 năm mới thực hiện xong việc lựa chọn nhà đầu tư cho 1 CCN.
Một vấn đề khác, theo Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT Trung tâm quản lý CCN cấp huyện được thành lập và giao chức năng làm chủ đầu tư, nhưng đơn vị này không được giao kinh phí để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng hoặc các vấn đề chưa hoàn thiện của CCN.
Cần có cơ chế khuyến khích DN đầu tư hạ tầng khu, CCN
Với những khó khăn thực tế của DN trực tiếp đầu tư vào hạ tầng CCN, ông Phạm Xuân Đại – Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Minh Dương (Hà Nội) – bày tỏ: Đầu tư hạ tầng CCN đòi hỏi thời gian dài, đặc biệt là nguồn vốn rất lớn. Mặc dù Nghị định 68 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác đều khuyến khích về tài chính cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương lại gặp nhiều khó khăn, do đó cần căn cứ từng địa phương cụ thể để có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho DN. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt cơ chế liên thông một cửa, tạo “luồng xanh” cho DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Điều này không chỉ giúp tạo thuận lợi cho nhà đầu tư hạ tầng mà còn giúp nhà đầu thứ cấp giảm chi phí khi đầu tư sản xuất, kinh doanh vào CCN.
Đề xuất từ thực tiễn
Với những vướng mắc gặp phải trong công tác quản lý, phát triển CCN, ông Đàm Tiến Thắng đề xuất: Nghị định 68 quy định CCN có diện tích từ 5-75ha, khu công nghiệp (KCN) diện tích từ 75ha trở lên theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (KKT). CCN tuy là đối tượng nhỏ hơn nhưng phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi cho DN không hấp dẫn bằng KCN. Trong khi đó cả CCN và KCN đều là nơi đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển công nghiệp, do đó nên nâng cấp Nghị định 68 và Ngị định 82 thành luật về quản lý phát triển khu, CCN, sau đó đưa ra các chế tài, chính sách phù hợp và công bằng cho cả 2 đối tượng.
Ngoài ra, theo quy định về lựa chọn chủ đầu tư CCN theo quy định tại Nghị định 68 thì bản chất là: Chỉ định chủ đầu tư, thu hồi đất và giao đất (không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất). Do đó, đề nghị Cục Công Thương địa phương phối hợp với các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xem xét cần thiết phải có quy định về giá cho thuê, chuyển nhượng từ chủ đầu tư hạ tầng đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất trong CCN không. Đây là nội dung rất quan trọng, bởi ngoài khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, còn phải giải quyết mục tiêu tạo mặt bằng sản xuất, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường… bảo đảm sự minh bạch và phù hợp.
Theo kinhtevn.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH