Hà Nội: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tiêu thụ hàng Việt
Mặc dù Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng, nhưng để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường, các đơn vị thành viên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN quảng bá tiêu thụ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm được Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội đặt ra trong năm 2021.
Hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội, thực hiện chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, trong thời gian qua, thành phố đã tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn.
Cụ thể, Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục 5 chợ đầu mối, 5 trung tâm mua sắm, bán buôn và 1 trung tâm logistics kêu gọi đầu tư tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố năm 2020”. Đến nay, thành phố có 142 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, khoảng 1.800 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động. Lũy kế, đến thời điểm hiện tại đã có 11.382 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo/đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố.
Hàng Việt ngày càng được đưa vào nhiều hơn trên các kệ hàng của các siêu thị, kênh phân phối hiện đại
Thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, thành phố đã tổ chức hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020 với 300 gian hàng; khai trương 14 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố; phối hợp với các tỉnh, thành phố, các kênh phân phối, đơn vị liên quan kết nối, tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm dư cung do mùa vụ, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các DN tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm. Đối với Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, năm 2020 đã có 103 DN với 189 sản phẩm, dịch vụ thuộc 12 ngành hàng đạt đủ tiêu chí tham gia chương trình.
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, tại các siêu thị, hàng Việt chiếm hơn 90% lượng hàng hóa cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Bà Đỗ Tuệ Tâm – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) – cho biết, trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống siêu thị Hapro, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo… của Việt Nam sản xuất chiếm tỷ lệ khá cao, hơn hẳn mọi năm. Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông – cho biết, trên 90% hàng hóa bày bán tại hệ thống siêu thị này là hàng Việt, đặc biệt có đến 95% sản phẩm bánh kẹo được cung cấp từ các DN uy tín.
Theo đánh giá của người tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều nhãn hàng có tên tuổi của Việt Nam như: Bánh kẹo Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, Vinacafe… được lựa chọn mua nhiều.
Đổi mới phương thức tuyên truyền
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế triển khai Cuộc vận động cho thấy, vẫn còn một số DN chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa; chưa quan tâm đến việc thực hiện Cuộc vận động. Các DN chưa có sự liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng, do đó, việc tạo uy tín, chỗ đứng của hàng hóa Việt trong lòng người tiêu dùng chưa cao. Bản thân các DN cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt chưa được kiểm soát triệt để làm giảm lòng tin của một bộ phận người tiêu dùng.
Nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập mà DN gặp phải trong quá trình triển khai Cuộc vận động, trong năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” – ông Nguyễn Anh Tuấn – đề nghị các đơn vị thành viên tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền Cuộc vận động đến DN, người tiêu dùng.
Theo đó, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh các tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường; tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, vận động các DN triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về các đại lý, tại các vùng xa, phục vụ người tiêu dùng. Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP. Hà Nội. Rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN trong quá trình đưa hàng Việt về nông thôn, chính quyền các quận, huyện cần hỗ trợ DN xác định địa điểm bán hàng; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng đến từng khu dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kinh doanh, mua sắm.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH