08/08/2017

Hà Giang: Nâng cao giá trị cây chè

Nhằm khai thác, phát triển thế mạnh cây chè, thời gian qua, Hà Giang đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm…
HG1
Chè Shan tuyết Hà Giang – đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng
Hà Giang là tỉnh có điều kiện về đất đai và các tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho quá trình phát triển cây chè. Diện tích chè Hà Giang đứng thứ 3 cả nước, được trồng chủ yếu tại 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Đáng chú ý, Hà Giang hiện có một số sản phẩm chè đặc sản như Shan tuyết Lũng Phìn, Shan Nậm Ty, Cao Bồ… được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tuy nhiên, do không bảo đảm mật độ trồng, việc đầu tư thâm canh không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên năng suất chè thấp. Quá trình thu hái, chế biến, bảo quản chưa đúng quy trình kỹ thuật cũng làm giảm năng suất, chất lượng cây chè. Một số sản phẩm qua chế biến không đa dạng, xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu thô.
Trước thực trạng trên, Hà Giang đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho cây chè phát triển với mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 25.237,7 ha, năng suất đạt trung bình 52 tạ/ha; tổng sản lượng chè búp tươi đạt 131.267,2 tấn/năm. Cụ thể, công tác trồng mới, thâm canh, thu hái, đặc biệt là khâu chế biến được quan tâm bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, công tác khuyến công đã được quan tâm, dành nhiều nguồn lực triển khai các đề án, chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp chế biến chè cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hà Giang đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cây chè phát triển với mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 25.237,7 ha, năng suất đạt trung bình 52 tạ/ha.
Tiêu biểu, từ nguồn kinh phí Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2017, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công Thương Hà Giang đã phối hợp với Công ty THHH Trà Hoàng Long xây dựng Đề án“Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến chè Hoàng Long” với công suất khoảng 220 tấn chè khô/năm.
Đề án nhằm mục tiêu phát huy tối đa lợi thế vùng nguyên liệu chè tại các huyện Tân Lập, Bắc Quang. Thiết bị được đầu tư với công nghệ mới. Phần lớn công đoạn của dây chuyền sản xuất được cơ khí hóa, hạn chế lao động thủ công, một số công đoạn điều khiển tự động. Đáng lưu ý, hệ thống thiết bị sẽ tạo ra sản phẩm chè mới với ưu điểm vượt trội như: Cánh xoăn đều, tỷ lệ gãy vụn ít, mầu nước xanh đậm, hàm lượng nước thấp, thời gian bảo quản lâu hơn.
Bên cạnh việc thực hiện Đề án“Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến chè Hoàng Long”, từ đầu năm đến nay, khuyến công Hà Giang đã chủ động triển khai nhiều hoạt động. Trung tâm đã phối hợp triển khai, nghiệm thu 4 đề án khuyến công địa phương và 1 đề án khuyến công quốc gia. Các đề án đều thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Kết quả nghiệm thu cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị theo đúng nội dung đã đăng ký và hoạt động tốt. Nhiều đề án được thực hiện đã góp phần tự động hóa vào một số công đoạn sản xuất, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.