25/02/2019

Giao thương tại Trung Đông và châu Phi: Cẩn trọng nhưng không rụt rè

Là thị trường đầy tiềm năng, song do vị trí địa lý xa xôi, khác biệt văn hóa cũng như khó khăn về thanh toán, DN cần cẩn trọng trong các giao dịch mua bán. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Khải Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi hiện nay?

Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và nhóm các thị trường trên chuyển biến ngày càng tích cực. Thể hiện qua hai yếu tố: Thứ nhất, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông, châu Phi liên tục tăng trưởng, đạt gần 19 tỷ USD trong năm 2017. Riêng với châu Phi, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) tăng 10% so với năm 2017.

Thứ hai, nhìn vào cơ cấu hàng XK, trước đây, Việt Nam chủ yếu XK hàng nông sản thì hiện nay đã có nhiều mặt hàng công nghiệp, tiêu dùng, hàng giá trị gia tăng như điện tử, điện thoại, máy tính, hàng tiêu dùng, dệt may, da giày…

Mặc dù tăng trưởng tốt, song so với quy mô xuất nhập khẩu của Trung Đông, châu Phi, kết quả của DN Việt liệu có khiêm tốn?
DN Việt Nam hiện mới khai thác được một góc rất nhỏ của khu vực này. Dự báo kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa của châu Phi đến năm 2020 đạt 1.200 tỷ USD; Trung Đông đạt 1.500 tỷ USD. Tổng nhu cầu NK của hai khu vực này lên đến khoảng 2.700 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới tiếp cận hơn chục tỷ USD. Như vậy tiềm năng, cơ hội của khu vực này còn quá lớn. Trong thời gian tới, với nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực và nhận thức cao hơn của cộng đồng các DN, tôi hy vọng rằng DN sẽ chú ý hơn đến các thị trường này, từ đó mở rộng thị phần hàng Việt Nam tại đây.

giaothuongchauphi1

Thị trường rộng lớn, nhưng thị phần của DN Việt còn quá nhỏ, theo ông, đâu là nguyên nhân?

Mức độ tận dụng thị trường của DN Việt còn thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, DN Việt nắm chưa nhiều thông tin do khu vực này là thị trường mới, xa xôi, cách trở về địa lý, khác biệt về tôn giáo, tập quán, văn hóa tiêu dùng, thói quen làm việc, thanh toán… Mặt khác, DN cũng hiểu biết hạn chế về nhu cầu và thị hiếu của người dân Trung Đông, châu Phi.

Một nguyên nhân khác, xuất phát từ lo ngại lừa đảo sau một vài vụ việc vừa diễn ra ở Tây Phi. Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo tình trạng lừa đảo hình thức giao dịch qua trang web, email, thậm chí Bộ cũng đã nêu cụ thể tên của DN Trung Đông, châu Phi để DN Việt tránh được.

Ông có thể cho biết cụ thể các thủ đoạn lừa đảo để DN phòng tránh?

Về thủ đoạn lừa đảo, nếu đối tác là nhà NK, họ sẽ mua hàng với giá rất cao làm DN Việt mất cảnh giác. Đối với nhà XK, họ sẽ chào bán lô hàng nào đó với giá rất thấp. Khi chốt giá rồi, chuẩn bị đến khâu thanh toán và giao hàng thì đối tác sẽ yêu cầu DN Việt Nam thanh toán trước một khoản tiền vài ngàn USD với lý do để hoàn thiện một số thủ tục, giấy tờ. Nếu DN không kiểm tra kỹ và chuyển tiền, thì sau đó đối tác này không liên lạc được và biến mất. Một hình thức nữa là lợi dụng một số tổ chức như một bộ, ngành của một quốc gia, hoặc tổ chức của một khu vực để tiến hành mua hàng hóa đấu thầu như quần áo đồng phục… Với cách thức tương tự như trên, họ sẽ mua với giá cao nhưng giấy tờ lại là giả mạo, giả mạo cả logo của các tổ chức quốc tế, thậm chí có cả xác nhận ngân hàng giả. Hay trong đầu tư, có những đối tác tự nói mình là con cháu lãnh đạo cấp Chính phủ, đang muốn đầu tư về Việt Nam, khi tìm đối tác, họ sẽ diễn lại “vở cũ” là yêu cầu đối tác gửi tiền sang để hoàn thiện thủ tục pháp lý đầu tư rồi biến mất.

Nói chung các hình thức lừa đảo rất đa dạng nên DN cần cảnh giác, nhất là đối với những phi vụ nhìn thấy lợi nhuận quá cao, giá quá hấp dẫn. DN cần tỉnh táo, tuy nhiên, không vì thế mà rụt rè, đánh mất cơ hội tại các thị trường này. Để tránh rủi ro, DN có thể nhờ hệ thống Thương vụ, Đại sứ quán để xác minh đối tác. Trong kinh doanh, DN cần cẩn trọng, chú ý làm hợp đồng với điều khoản chắc chắn, tránh chuyển tiền trước khi không có thông tin rõ ràng.

Xin cảm ơn ông!
Theo Báo công thương