04/06/2019

Giảm thiểu rủi ro cho làng nghề

Làng nghề hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của cả nước. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật, không nắm chắc quy tắc trong thực hiện hợp đồng xuất khẩu khiến không ít doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tại làng nghề phải chịu những hệ lụy không nhỏ.

Hiểu biết pháp luật của khu vực làng nghề còn hạn chế

Ông Vi Văn Khải – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (HHLN) – cho hay, đã có DN làng nghề ký hợp đồng sản xuất, xuất khẩu 1 triệu con trâu gốm sang Nhật Bản với giá 1 USD/con. Tuy nhiên, lô hàng bị trả lại do sản phẩm không đồng nhất về hình dáng và kích thước, buộc DN phải bán rẻ cho chính đối tác chỉ với 1/10 giá đã ký kết.

Sự vụ của DN trên không hiếm ở khu vực làng nghề. Mới đây, sản phẩm TCMN của một DN tại Bắc Ninh đã vận chuyển sang tới Nhật Bản lại bị trả về bởi trên sản phẩm có dính tạp chất. Hay, DN tại Hải Dương xuất khẩu sản phẩm mây, tre đan sang thị trường Mỹ cũng bị trả lại do nhái mẫu mã của DN và bị kiện.

Có thể thấy, nhận thức về pháp lý của DN làng nghề còn nhiều hạn chế. Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý, hỗ trợ khu vực làng nghề khá lớn với 14 văn bản, tuy nhiên, như lời ông Bạch Quốc Khang – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn HHLN Việt Nam, chính sách hỗ trợ làng nghề còn nhiều khiếm khuyết. Theo đó, cấp độ pháp lý không đủ mạnh, mới dừng ở Nghị định, không tạo được tác động bao trùm do Nghị định chỉ ở quy mô một ngành, trong khi khu vực làng nghề đa ngành, nghề. Bên cạnh đó, bản thân khả năng tiếp cận hệ thống văn bản pháp lý của cơ sở sản xuất, DN làng nghề thấp do thiếu hiểu biết, không chủ động tìm tới các tổ chức tư vấn pháp lý và không đầu tư đúng mức cho nhân lực…

Những năm gần đây, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết đã có hiệu lực, mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cho mặt hàng TCMN. Tuy nhiên, ngành TCMN phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý như: Tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, trách nhiệm xã hội, môi trường. Nếu không vượt qua được các rào cản này, ngành TCMN trong nước sẽ bị thu hẹp, DN ngừng sản xuất và làng nghề bị mai một.

DN xuất khẩu cần tuân thủ hợp đồng, nâng cao năng lực sản xuất, có thể tìm sự trợ giúp từ các tổ chức tư vấn pháp luật. “DN chủ động tìm hiểu kỹ hệ thống pháp luật của nước nhập khẩu, chuẩn bị đầy đủ chứng nhận do các đơn vị được công nhận đánh giá rồi mới tiến hành ký kết hợp đồng, sản xuất hàng hóa xuất khẩu”, bà Hà Thị Vinh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh – nhấn mạnh.

Tuy vậy, không phải DN làng nghề nào cũng đủ sức thuê tư vấn các vấn đề pháp lý. Do vậy, với vai trò là đơn vị đại diện cho các làng nghề, HHLN Việt Nam cần thành lập trung tâm tư vấn pháp lý nhằm hỗ trợ DN, nhất là với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình.

Ở góc độ vĩ mô, ông Bạch Quốc Khang đề xuất: HHLN đề nghị Chính phủ nâng cao sức nặng của các văn bản pháp lý trong lĩnh vực làng nghề. Cụ thể, xây dựng luật làng nghề, để từ đó xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể và quan trọng là đủ sức nặng để liên kết các bộ, ngành, tổ chức chung tay thúc đẩy khu vực làng nghề, cũng như DN làng nghề phát triển đúng với xu hướng của thế giới.

HHLN Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp nhằm đề xuất lên Chính phủ xây dựng văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất cho khu vực làng nghề, từ đó, có sự quản lý, chính sách hỗ trợ cũng như chế tài tốt nhất cho phát triển làng nghề.

Theo nguồn tin congthuong.vn/