Đồng lòng tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển ngành Công Thương khu vực trung du, miền núi phía Bắc
Chiều 1/12, tại Yên Bái, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Giao ban Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực trung du và miền núi phía Bắc năm 2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy.
Toàn cảnh Hội nghị
Vượt khó giữa dịch bệnh
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hội nghị là sự kiện quan trọng để Bộ Công Thương lắng nghe và trao đổi ý kiến đóng góp của ngành tại các địa phương xuất phát từ thực tiễn phát triển.
Đặc biệt, khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện vẫn còn gặp nhiều hạn chế về hạ tầng, kết nối và điều kiện cơ sở vật chất trong phát triển kinh tế xã hội. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 và tranh chấp thương mại quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, cần xác định rõ những cơ hội và thách thức trong khai thác nguồn lực xã hội tại 14 tỉnh, thành phố nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng.
Theo Bộ trưởng, để thành công làm được điều này, các Sở Công Thương có vai trò “kép” rất quan trọng, là cánh tay nối dài của ngành tại địa phương, góp phần vào kết quả tích cực của ngành Công Thương khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (bên trái) và Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị
10 tháng đầu năm 2020, toàn khu vực có 10/14 tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước, tiêu biểu như Bắc Giang (tăng 19%), Lào Cai (tăng 13%), Tuyên Quang (tăng 9%),…
Một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp thế mạnh của khu vực đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: Điện sản xuất 20.612,9 triệu KWh, tăng 2,6% so với năm 2020; Sắt, thép gang ước đạt 8.427,8 nghìn tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ;…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực trung du và miền núi phía Bắc 10 tháng 2020 ước đạt 239.804 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 5,81% tổng mức của cả nước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực 10 tháng đạt 37 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 16,15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 26,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 2,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương báo cáo tại Hội nghị
Thông tin thêm về tình hình phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn khu vực, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, tính đến hết tháng 10 năm 2020, vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đã thành lập 141 CCN với tổng diện tích 4.995 ha, trong đó có 86 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.013 ha.
Các CCN hoạt động đã thu hút hơn 650 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động , chủ yếu là lao động địa phương; đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 66,6%.
Đáng chú ý, để mở rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công Thương các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước cũng như xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn
Tuy nhiên, từ phía địa phương, ông Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh uy Yên Bái nhận định, phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về điều kiện cơ sở hạ tầng.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn chưa cao, một số ngành công nghiệp còn phụ thuộc nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu nên sản xuất bị động, chi phí cao dẫn đến khó khăn trong mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chính vì vậy, nhằm khơi thông các điểm nghẽn, ông Đỗ Đức Duy kiến nghị Bộ Công Thương sớm xem xét, báo cáo Chính phủ hoàn thiện quy hoạch khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trong đó định hướng rõ phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, bố trí hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp và lưới điện quốc gia.
Ông Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ điểm nghẽn phát triển ngành Công Thương Yên Bái nói riêng và khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói chung
Ông Đỗ Đức Duy cũng hy vọng Bộ Công Thương duy trì hỗ trợ các địa phương trong triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, giúp các doanh nghiệp địa phương tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường. Đặc biệt, cần giảm lệ thuộc vào một thị trường nhập khẩu nguyên nhiên liệu nhất định để tăng tính tự chủ của các ngành sản xuất.
Mặt khác, các địa phương cũng kỳ vọng Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng lưới điện trên địa bàn.
Riêng với tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ và báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực miền Bắc tại tỉnh Yên Bái.
Đánh giá cao những ý kiến này, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương nhận định, thời gian qua các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã chủ động phối hợp tích cực với Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trong giai đoạn dịch bệnh.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực có thể học tập mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối cung cầu liên vùng tại các tỉnh lân cận để phát huy thế mạnh của mình hơn nữa trong thời gian tới.
Nâng cao chất lượng của cơ chế phối hợp
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các tỉnh, thành phố khu vực trung du và miền núi phía Bắc thực sự còn nhiều khó khăn, hạn chế về điều kiện phát triển, nhưng các Sở Công Thương đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong khắc phục những thách thức này thời gian qua.
Bộ trưởng cho rằng, sự “đồng lòng” giữa các đơn vị thuộc Bộ với các tỉnh, thành phố là quan trọng hơn bao giờ hết, để phát triển ngành Công Thương mạnh mẽ trong thời gian tới.
Những câu chuyện như nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản và sản phẩm công nghiệp trên địa bàn, hay phát triển điện lưới quốc gia đến cho tất cả người dân đồng bào dân tộc ít người tại các tỉnh miền núi, đều được Bộ trưởng nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ cùng địa phương triển khai.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa của cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và địa phương, trong đó các Sở Công Thương là “cánh tay nối dài” quan trọng
“Chỉ cơ chế, chính sách thôi là chưa đủ, cần có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ Bộ Công Thương cũng như Chính phủ với địa phương để có cách làm đồng bộ, thực thi hiệu quả chính sách trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định, cho biết sẽ có cơ chế nâng cao chất lượng các chương trình phối hợp, hợp tác với địa phương để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời.
Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách liên quan đến cơ cấu ngành tại địa phương, bổ nhiệm cán bộ, quy hoạch khu, cụm công nghiệp,… trên cơ sở những ý kiến xuất phát từ thực tiễn mà các Sở Công Thương đã đưa ra tại Hội nghị.
Đối với những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ sẽ có báo cáo đến các Bộ, ngành liên quan và cấp cao hơn để tiếng nói của địa phương được lan tỏa.
Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024