Doanh nghiệp Việt khó định giá thương hiệu
Ngày 18/11/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Tọa đàm về “Định giá, xây dựng và phát triển thương hiệu”. Trong bối cảnh hiện nay, các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng trở thành một loại tài sản. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong việc định giá, doanh nghiệp Việt chưa thể phát huy giá trị tài sản sở hữu trí tuệ mà mình nắm giữ.
Theo đại diện của Tổ chức nhãn hiệu quốc tế (INTA), nhãn hiệu là một loại tài sản cần được bảo hộ. Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu của mình làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.Năm 2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc thoái trào, có đến 970 nhãn hiệu được dùng làm tài sản thế chấp, với giá trị tài sản lên tới 7,71 tỉ USD. Tỉ lệ các doanh nghiệp thế chấp bằng nhãn hiệu tăng tới 40%. Để đảm bảo minh bạch, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phải công khai giá trị tài sản của mình.
Vinamilk được định giá giá trị thương hiệu trên 1 tỉ USD
“Tài sản của doanh nghiệp gồm tài sản hữu hình và vô hình. Tài sản hữu hình có thể xác định được dễ dàng nhưng để định giá được thương hiệu là việc không đơn giản, đòi hỏi các kiểm toán viên phải có kiến thức, xem xét ở nhiều góc độ. Chẳng hạn, sáng chế thì có thời hạn, quyền tác giả cũng vậy, có thể 20 năm hoặc 50 năm tuỳ quốc gia. Còn nhãn hiệu, thương hiệu thì nó kéo dài mãi mãi, chưa kể giá trị thương hiệu còn có thể gia tăng theo thời gian.
Hiện nay, top đầu các thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới gồm Apple (184 tỉ USD), Google (181 tỉ USD), Facebook (hơn 40 tỉ USD), Samsung (56 tỉ USD)… Tại Việt Nam, doanh nghiệp sữa Vinamilk cũng được định giá giá trị thương hiệu trên 1 tỉ USD” – đại diện INTA cho biết.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn chưa tự định giá được giá trị thương hiệu của mình và chưa thể vốn hoá bằng tài sản sở hữu trí tuệ.
“Theo các văn bản được ban hành, doanh nghiệp được phép thế chấp tài sản là nhãn hiệu để vay vốn ngân hàng, tuy nhiên gần như không có ngân hàng nào dám cho doanh nghiệp vay bằng hình thức này vì họ không có cách nào để định giá giá trị của nhãn hiệu. Cái khó nhất hiện nay là chưa có căn cứ nào đủ mạnh, mang tính pháp lí để doanh nghiệp có thể áp dụng. Hiện mới chỉ định giá được một số tài sản có nguồn gốc sở hữu của Nhà nước” – bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết.
Dưới góc độ đơn vị quản lí nhà nước về khoa học công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngày càng có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng hiện diện trên thị trường. Với sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, nhiều nhãn hiệu Việt đã chứng minh được uy tín và giá trị của mình. Việc bảo hộ nhãn hiệu là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp Việt, nhu cầu này thường gắn với việc khẳng định uy tín, chất lượng của các thương hiệu. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, nhu cầu này còn gắn với mong muốn đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Muốn thực thi quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu có hiệu quả, chủ thể các nhãn hiệu cần có chiến lược phát triển nhãn hiệu của mình, các cơ quan thực thi có nhiệm vụ phối hợp, giúp các chủ thể xác lập quyền đối với các nhãn hiệu đó.
Theo Tapchicongthuong.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH