22/01/2019

Doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp sẽ có cơ chế hỗ trợ trực tiếp

Trong năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ bổ sung các quy định về hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay… cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng mới, kinh doanh.

Thông tin này được ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ, diễn ra vào ngày 18/1, tại Hà Nội.

“Lấp đầy” khoảng trống

Chia sẻ với phóng viên báo chí, ông Lê Xuân Định cho biết, trong năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay, tinh thần khởi nghiệp của chúng ta đã phát triển và lan tỏa khắp vùng miền, bộ, ngành, các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn diện, chúng ta vẫn còn thiếu nhiều thứ cần khỏa lấp.

Ví dụ, ở các nước khác có rất nhiều nhà đầu tư thiên thần, các huấn luyện viên khởi nghiệp có kinh nghiệm, thì chúng ta còn thiếu. Vì vậy, chúng ta sẽ phải tăng cường kết nối quốc tế nhằm bù đắp sự thiếu hụt. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong định hướng của khởi nghiệp sáng tạo, luôn luôn phải có hơi thở, nhịp độ phát triển của quốc tế.

khoinghiep

Đồng thời, trong năm 2019, Bộ sẽ đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy định về việc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng được nhận hỗ trợ ngân sách của Nhà nước như thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và bổ sung các hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng mới, kinh doanh…

Nếu soi chiếu lại toàn bộ hệ thống hỗ trợ của chúng ta đối với khởi nghiệp sáng tạo từ trước đến nay, chủ yếu tập trung cho các trung tâm ươm tạo, thúc đẩy tăng tốc kinh doanh, nhưng chưa phải là đối tượng trực tiếp doanh nghiệp. “Như vậy, chúng ta cần có cơ chế để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp” – ông Lê Xuân Định nói.

Trong năm 2019, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, để hình một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối các chuyên gia có năng lực ở nhiều lĩnh vực. Để một startup thành công không chỉ cần có ý tưởng công nghệ xuất sắc, khả thi mà kiến thức về quản trị kinh doanh, tinh thông công nghệ, chiến lược về nhân sự cũng đòi hỏi rất quan trọng.

Lan tỏa triển khai công nghệ 4.0

Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Xuân Định cho hay, năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia – Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0.
Chương trình này sẽ tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 để làm sao tạo thành tiền đề lan tỏa, thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia và triển khai các công nghệ tiên tiến 4.0 tại Việt Nam. Trong đó, tập trung ưu tiên về trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm có lợi thế cho Việt Nam.

“Trong các lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, thì trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh để khai thác, làm chủ, phát triển và có sức cạnh tranh cao” – ông Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Hệ tri thức Việt số hóa với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là nền tảng tri thức quan trọng trong tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta. Bộ cũng sẽ triển khai một số phòng thử nghiệm công nghệ, để có thể đưa vào trong cuộc sống những công nghệ tiên tiến nhất của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, tiến hành tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ sửa đổi các quy định, hướng tới vai trò chủ đạo trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ là doanh nghiệp chứ không phải viện nghiên cứu, trường đại học.

Trong trường hợp đó, doanh nghiệp là chủ thể, viện nghiên cứu, trường đại học là nhà tư vấn, kết nối, đem đến những công nghệ mới nhất cũng như tư vấn những điều kiện triển khai phù hợp nhất cho doanh nghiệp.

Theo Báo Công Thương điện tử