DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn
Thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ từ các Bộ, ngành, địa phương nhưng theo các DNNVV, họ vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, quản trị và khách hàng… Đặc biệt câu chuyện tiếp cận nguồn vốn vẫn là trở ngại lớn nhất của khối DN này.
Hơn 300 DNNVV đã đến tham dự “Ngày hội kết nối doanh nghiệp”
Ngày 8/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức sự kiện “Ngày hội kết nối doanh nghiệp”. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ đề án hỗ trợ DNNVV để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn. Dù là ngày cuối tuần nhưng sự kiện vẫn thu hút sự quan tâm của hơn 300 DNNVV hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm…
DNNVV “đối mặt” với bốn trở ngại lớn
Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam của VCCI, trong năm 2016, lần đầu tiên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức cao kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Và cả nước có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 5 năm nay, cả nước có thêm 50.534 doanh nghiệp thành lập mới. Những con số tăng trưởng cao này cho thấy phần nào tác động của các chính sách và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ trong năm qua.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, DNNVV được Chính phủ coi là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ không chỉ về tiếp cận vốn tín dụng, mà còn được hỗ trợ pháp lý, mở rộng thị trường, phát triển nguồn lực…
“Các vấn đề này được cụ thể hóa trong 7 chính sách hỗ trợ chung, 3 chương trình hỗ trợ mục tiêu và trong nội dung Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ. DN càng nắm rõ các chủ trương này thì càng linh hoạt trong việc phát huy lợi thế và khắc phục điểm yếu, hạn chế vốn có của DNNVV”, Ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Phạm Hoàng Tiến – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV thuộc VCCI nói rằng các DNNVV vẫn đang phải “đối mặt” với bốn trở ngại lớn, đó là: Thứ nhất, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng; Thứ hai, tìm kiếm nguồn vốn; Thứ ba, tìm kiểm nhân sự thích hợp; Thứ tư, thủ tục hành chính pháp lý còn rườm rà.
Ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV chỉ ra 4 rào cản chính kéo chậm sự phát triển của DNNVV
Đồng tình với ông Tiến, ông Hoàng Xuân Hải – Giám đốc công ty quốc tế VAG cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất mà DNNVV gặp phải đó là tiếp cận vốn cực kỳ khó khăn, thậm chí là mất niềm tin. Ông Hải kể rằng, Cty ông đã liên hệ và đã từng tiếp cận từ 5 – 7 ngân hàng, nhưng vẫn chưa nhận được khoản vay nào từ những ngân hàng trên do không có tài sản thế chấp.
“Tôi mong muốn, thông qua sự kiện hôm nay, Cty tôi sẽ được tiếp cận được với nguồn vốn và khoản vay phù hợp để phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới”, ông Hải nói.
Nhiều DN cho biết, ngoài câu chuyện vốn, họ còn gặp những khó khăn trong hoạt động thực tiễn của DN như tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu và bao bì sản phẩm, khó khăn trong việc tìm đầu ra thị trường quốc tế cho sản phẩm của doanh nghiệp cũng như làm thế nào để DN trước hết là trong nước có thể kết nối vào hợp tác với nhau.
“Khơi thông” nguồn vốn thế nào?
Ông Đào Gia Hưng – Phó Giám đốc khối SME của VPBank cho biết, một trong những định hướng phát triển của VPbank trong thời gian tới đó là cung cấp các gói vay, sản phẩm hướng đến đối tượng là DNNVV. Trong đó phải kể đến gói vay tín chấp đặc thù chuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp mới, siêu nhỏ, nhỏ và vừa với các ưu thế về tốc độ phê duyệt hồ sơ và hạn mức vay linh hoạt.
“Các DN hoàn toàn có thể thông qua chương trình này để tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Hưng nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Hưng, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: để mở rộng sản xuất kinh doanh cho DNNVV, các cơ quan liên quan nên có những ưu đãi phù hợp với đặc thù: vốn ít, thời gian thành lập còn mới và không có tài sản thế chấp của khối doanh nghiệp này.
Bên cạnh câu chuyện vốn, ông Lê Đăng Doanh cũng lưu ý, DNNVV cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, cách tiếp thị sản phẩm phải đúng với đối tượng mục tiêu để tránh lãng phí và cũng cần định hướng nhu cầu của KH đến với sản phẩm mình cung cấp…
Chia sẻ kinh nghiệm về việc làm thế nào để tiếp cận được gói vay phù hợp và nhanh được giải ngân, đại diện một doanh nghiệp start – up trong lĩnh vực dược phẩm cho rằng, là một DNNVV, hơn nữa lại mới đi vào hoạt động, việc làm thế nào để vay được vốn ngân hàng mà doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp là mối bận tâm chung của hầu hết doanh nghiệp khi bắt đầu khởi sự kinh doanh. Cũng theo doanh nghiệp này, trước tiên bản thân mỗi doanh nghiệp phải có sự minh bạch về hoạt động tài chính, chia sẻ đúng về thực trạng kinh doanh: lỗ – lãi và chưa từng có nợ chú ý, đó là điều kiện cơ sở để các ngân hàng xem xét các khoản vay tín chấp. Doanh nghiệp này cũng đã làm hồ sơ gửi đến VPbank và đã được giải ngân. Sau hơn 1 năm kể từ khi có nguồn vốn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã trở lên “dễ dàng” hơn.
Ngoài ra, để DNNVV phát triển một cách toàn diện, ông Nguyễn Khánh Trình – CEO của Clever Ads (đối tác cao cấp của Google tại Việt Nam) nhấn mạnh, trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, DN cần chú trọng đến việc phát triển thương hiệu thông qua các chiến lược digital marketing online trong đó chú ý đến công cụ trực tuyến như Google và Facebook.
“Thực tiễn đã chứng minh, hai công cụ này đã có sức mạnh lan toả cực kì mạnh và việc vận dụng vào phát triển kinh doanh đã có nhiều DN Việt Nam thực hiện và thực hiện một cách thành công”, ông Trình nhấn mạnh.
Theo dddn.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH