Định vị thương hiệu lụa tơ tằm Nha Xá
Thay vì đựng trong những chiếc túi nilon quen thuộc, người dân làng dệt lụa tơ tằm Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam đang chuyển dần sang hộp tre thân thiện với môi trường. Đây cũng là bước nhằm làm mới sản phẩm, nằm trong chiến lược đẩy mạnh quảng bá lụa tơ tằm Nha Xá.
Đều đặn tiếng thoi đưa
Cũng như nhiều làng nghề dệt lụa khác trên cả nước, trong vòng xoáy kinh tế thị trường, làng dệt lụa tơ tằm Nha Xá có lúc lao đao. Thế nhưng, với quyết tâm gìn giữ nghề quý của tổ tiên, các nghệ nhân làng Nha Xá đã lặn lội đi nhiều nơi để tìm hiểu thị trường, học hỏi kinh nghiệm của một số làng nghề khác. Phải đến năm 1989, “cơn bĩ cực” của làng nghề Nha Xá mới được coi là tạm đi qua.
Sản phẩm lụa Nha Xá được người tiêu dùng ưa thích
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tiến Quảng – Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá – kể: “Giờ về Nha Xá, lúc nào cũng thấy vui tai, bởi tiếng lách cách thoi đưa dệt lụa. Cả làng hiện có gần 400 máy dệt, với sản lượng 30 – 40 nghìn m/tháng. Sản phẩm lụa Nha Xá được tiêu thụ khắp các thị trường trong nước”.
Do người dân Nha Xá có điều kiện đi nhiều nơi và giao lưu buôn bán với các vùng, miền khác nhau nên việc tiếp cận những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến về áp dụng cho sản xuất của làng nghề rất nhanh. Từ chỗ chỉ dệt được những tấm vải có khổ 30 cm bằng kỹ thuật thủ công thì nay người trong làng đã dệt được những mẫu vải khổ lớn có chiều dài theo ý muốn, với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Không chỉ giữ được nghề, mà nay nhiều gia đình ở Nha Xá đã giàu lên nhờ nghề, với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm trừ mọi chi phí sản xuất. Đồng thời, còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở các vùng lân cận, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Hướng đến phát triển bền vững
Dù còn không ít khó khăn nhưng đến nay, người dân Nha Xá đã tự tin khẳng định đang sống tốt với nghề. Nhiều người dân trong làng mong muốn mở rộng sản xuất và phát triển những mẫu mã sản phẩm mới như: Lụa chống nhăn, lụa mỏng phục vụ hội họa…
Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu dệt Nha Xá bền vững, làng nghề đã chú trọng gắn phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường. Hiện nay, Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu đến từ thiên nhiên như: Củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm. Vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá không chỉ bền màu mà được nhiều người ưa chuộng, tin tưởng về chất lượng và an toàn khi sử dụng.
Trong định hướng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cũng hướng đến chuyển dần các túi, hộp đựng sản phẩm bằng nilon sang bằng vỏ tre hoặc vỏ giấy. Các mẫu bao bì này hiện được tham khảo ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản… Tuy nhiên, tới đây Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cũng tính đến sẽ thuê chuyên gia thiết kế mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với chất liệu và thị trường.
Để du khách cảm nhận được giá trị lao động của làng nghề, nhiều gia đình ở Nha Xá tạo dựng những phân xưởng nhỏ để khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan quy trình ươm tơ, dệt lụa. Đây cũng là cách để người dân trực tiếp quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, thiết thực nhất.
Ông Nguyễn Tiến Quảng – Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá: Nếu như 5 năm trước, khăn là sản phẩm thế mạnh của làng lụa Nha Xá thì nay đã có thêm nhiều sản phẩm được du khách rất yêu thích, đó là áo dài, áo cách tân, vỏ chăn được dệt 100% bằng lụa tơ tằm.
Theo Báo Công Thương điện tử
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH