18/10/2017

Định hướng xuất khẩu gạo đến 2030: Giảm lượng, tăng giá trị

Sáng ngày 17/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

dhptg

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị

Định hướng giảm sản lượng gạo, nâng cao giá trị xuất khẩu

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD/năm.

Dù sản xuất lúa gạo có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn bất cập, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường trong khi diễn biến thị trường gạo quốc tế ngày càng phức tạp. Cụ thể các nước nhập khẩu đang tiến tới tự túc lương thực đồng thời đưa ra nhiều rào cản thương mại gây khó khăn cho sản phẩm gạo thâm nhập. Trước thực tế này, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Thông tin cụ thể về Chiến lược và kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường XK gạo, ông Trần Xuân Long, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu – cho biết, theo mục tiêu tổng quát mà chiến lược đưa, trong giai đoạn 2017-2020 lượng gạo XK hàng năm sẽ giảm còn khoảng 4,5-5 triệu tấn nhưng vẫn đạt giá trị từ 2,2-2,3 tỷ USD; giai đoạn 2020-2030 sẽ giảm sản lượng xuống 4 triệu tấn nhưng giá trị sẽ đạt vào khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Về cơ cấu mặt hàng XK, tỷ trọng đến năm 2020 sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%; nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có tỷ lệ gia tăng khác chiếm khoảng 5%. Đến năm 2030 sẽ giảm gạo trắng cấp thấp, trung bình còn 10%, gạo trắng phẩm cấp cao là 15%; đồng thời nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, Japonica lên 40%, gạo nếp 25% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng khác 10%.

Để thực hiện, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3434/QĐ-BCT ngày 5/9/2017 và phân công cụ thể đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, Bộ Công Thương với vai trò đơn vị chủ trì thực hiện sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển từng thị trường XK gạo, giải pháp ứng phó với biến động của thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lúa gạo…

Tuy nhiên, theo ông Long, làm thế nào để DN hưởng lợi từ chiến lược này thì cần phải có sự chung tay của các Bộ, ngành nhằm có giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN trong phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, mang tính bền vững kết nối, lấy tín hiệu thị trường gắn với định hướng sản xuất trong nước.

Nhiều đóng góp thiết thực

Theo ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương An Giang, qua nghiên cứu, Sở Công Thương An Giang nhận thấy một số vấn đề khó khăn đối với công tác phối hợp để thực hiện chiến lược này. Cụ thể là chưa định hướng được giống lúa để đáp ứng thị trường XK, trong chiến lược cũng chưa nêu được các tiêu chí, tiêu chuẩn gạo… để gieo trồng, sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngoài ra, chiến lược chưa thật sự gắn kết chặt chẽ giữa thị trường XK với tổ chức sản xuất nhằm từng bước tạo thành chuỗi thống nhất theo định hướng từ sản xuất tới tiêu thụ. Đặc biệt, trong khâu tổ chức thực hiện thiếu vai trò của đơn vị dẫn dắt để cùng hành động theo hướng thống nhất đạt được mục tiêu đã định; đồng thời cũng giúp cho tỉnh An Giang và các tỉnh khác thuận lợi trong xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược XK.

Sở Công Thương An Giang đề xuất, Bộ Công Thương là đầu mối, cũng là cơ quan điều phối các hoạt động trong Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam. Các Bộ, ngành, Sở chuyên ngành địa phương phải đảm bảo việc theo dõi, đốc thúc trong gieo trồng, chế biến đúng quy trình…

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp – kiến nghị, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm gạo XK và quy trình sản xuất, chế biến từ khâu giống đến sản phẩm cuối cùng để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu gạo quốc gia. Sớm tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ DN kinh doanh XK gạo.

Về phía Đồng Tháp, ông Dũng cho hay, tỉnh đang rà soát quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo giống lúa, quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, kỹ thuật thiết yếu đáp ứng điều kiện sản xuất an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP. Tổ chức triển khai chiến lược phát triển thị trường XK gạo đến DN biết, thực hiện. Cập nhật thông tin và phổ biến kịp thời cho nguời sản xuất, DN tiêu thụ biết về yêu cầu thị trường. Nâng cao hiệu quả của công tác XTTM từ nguồn kinh phí XTTM của tỉnh và tranh thủ từ nguồn kinh phí XTTM quốc gia để hỗ trợ DN tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm…

Từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và XK nhiều năm nay, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao Trung An nêu ý kiến: Thực tiễn đã chứng minh từ năm 2011 đến nay, kể từ khi có các thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu lúa, DN liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ thì năm 2012 Việt Nam đã có quyền tuyên bố với các thương nhân nhập khẩu gạo nước ngoài rằng “Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo cho các nước với chất lượng cao, gạo đồng nhất chỉ 1 loại giống” và cũng từ đó các nhà nhập khẩu gạo các nước phải trả thêm 50-80 USD/tấn gạo đồng nhất nêu trên. Trên thực tế, các năm kế tiếp nhiều loại gạo đồng nhất, thơm, sạch của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu đặt hàng. Đơn cử ngay trong năm 2017, nhiều loại gạo đang được các nhà nhập khẩu yêu cầu nhưng các thương nhân Việt Nam lại không có hàng để bán. Tất cả thành quả nêu trên và bất cập không có hàng bán đều xuất phát từ việc xây dựng nguồn nguyên liệu lúa.

“Các thương nhân xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu lúa với quy trình canh tác sạch thì thị trường tiêu thụ có ngay từ thời điểm gieo cấy chứ chưa cần phải đi xúc tiến hoặc tìm kiếm thị trường. Còn thương nhân và nông dân không xây dựng vùng nguyên liệu thì dù nhà nước có chi ra hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng để đi XTTM thì gạo Việt vẫn không bán được hoặc nếu có bán được thì giá sẽ thấp, tiêu thụ cũng không phải dễ dàng”, ông Bình phân tích.

Trước đóng góp ý kiến của địa phương và DN, ông Phan Văn Chinh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở đó có những điều chỉnh cho phù hợp, giúp địa phương, DN thực hiện chiến lược đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo BaoCongThuong.com.vn