19/03/2020

Dịch vụ công của Bộ Công Thương: Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Được triển khai từ cuối năm 2016, Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) – Bộ Công Thương là địa chỉ duy nhất của Bộ để kết nối, liên thông và trao đổi dữ liệu đến Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS) – Bộ Công Thương, hiện tất cả 292 thủ tục hành chính (TTHC) cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó có 166 DVCTT mức độ 3, 4. Hiện đã có hơn 31.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ. Hết năm 2019, Bộ đã xử lý hơn 1.540.792 hồ sơ điện tử qua các DVCTT mức độ 3, 4, tương ứng 99% tổng số hồ sơ gửi đến.

Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT&KTS- cho biết, bên cạnh việc đưa vào sử dụng các DVCTT, Bộ Công Thương hỗ trợ hàng vạn lượt DN trong việc sử dụng các DVCTT thông qua điện thoại, email… góp phần hỗ trợ người dân, DN tiếp cận với các TTHC do Bộ quản lý.

dichvucongbct

Hơn 31.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ Công Thương

Liên quan tới việc triển khai Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng DVCTT mức độ 4 đối với 6 TTHC được nêu tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg. Đến nay, nhiệm vụ này đã hoàn thành, cụ thể đối với các DVCTT: Đăng ký danh mục hàng nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kể từ đợt 2; cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương; cấp phép hoạt động điện lực; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp nhãn năng lượng.

Cùng với đó, xây dựng mới, nâng cấp, cập nhật thêm 30 DVCTT thuộc các lĩnh vực: An toàn công nghiệp, an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ, quản lý cạnh tranh, thương mại quốc tế, công nghiệp nặng…

Từng bước điện tử hóa, số hóa

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, xây dựng hệ thống DVCTT, Chính phủ điện tử, ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện.

Cụ thể, để hoàn thiện các DVCTT phù hợp với nội dung Thông tư số 05/2016/TT-BCT ngày 6/6/2016 quy định về việc cung cấp DVCTT của Bộ Công Thương. Đồng thời, triển khai xây dựng mới thêm DVCTT mức độ 3, 4; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Cục TMĐT&KTS sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị có liên quan, đảm bảo việc trao đổi thông tin về C/O form D với Cơ chế một cửa ASEAN được thông suốt.

Để triển khai Quyết định số 4597/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương giai đoạn 2018-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu: Các đơn vị thuộc Bộ phải kiến trúc được mô hình của Chính phủ điện tử trong giai đoạn tới đây với những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2018 – 2020 và kế hoạch của từng năm trong giai đoạn này; xây dựng hạ tầng CNTT, đảm bảo tính kết nối, liên thông, an toàn, hiệu quả, có tính kết nối với các đơn vị thuộc Bộ, với Chính phủ điện tử của Chính phủ và các bộ, ngành khác.

Ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:

Bộ Công Thương hiện đi đầu về dịch vụ công cấp độ 4, đi đầu về văn bản ký số. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh đưa dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nguồn “Báo Công Thương Điện Tử”