20/11/2018

Dệt may, da giày tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế

Dệt may, da giày được dự báo tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Trong tương lai, hai ngành này còn đứng trước cơ hội mở rộng thị trường tại EU và Mỹ.

resized detmay

Dệt may luôn duy trì “phong độ” và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp

Theo Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2018, dệt may luôn duy trì “phong độ” và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất.

Trong thời gian này, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 25,15 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối hiệp định CPTPP.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may tương đối thuận lợi vì đơn hàng dồi dào, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2018. Điều đáng nói, thị trường xuất khẩu tiềm năng là Mỹ vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn hàng từ Việt Nam.

Với ngành da giày, 10 tháng năm 2018 sản lượng giày dép tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 227,1 triệu đôi, tăng 5,6%.

Hoạt động xuất khẩu của ngành này cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo. Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Việc ký kết một số hiệp định thương mại như: EVFTA, CPTPP sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối sang các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

Dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt may và da giày được dự báo sẽ còn tăng cao do tiềm năng xuất khẩu hai ngành này còn khá lớn nhờ Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), có nhiều lợi thế về sản xuất. Gần đây, do căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ dẫn đến việc dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội và triển vọng, theo bộ Công Thương, một trong những thách thức mà lĩnh vực dệt may và da giày đang gặp phải, đó là, chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như: lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may.

Ngoài ra, còn có rủi ro từ việc Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.

Từ những khó khăn trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc cần thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và chủ động ứng phó hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.

Nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời, củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA./.

Theo VOV