Đề xuất điều chỉnh nội dung chính sách khuyến công
Một số quy định lạc hậu, không còn sát thực tế trong lĩnh vực khuyến công được coi là nguyên nhân khiến công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố phía Nam gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện.
Thủ tục phức tạp, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng
Chưa phù hợp với nhu cầu
Theo phản ánh của Sở Công Thương Long An, một số quy định trong chính sách khuyến công chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nên khó mở rộng đối tượng thụ hưởng. Ví dụ, về hỗ trợ máy móc, theo quy định, cơ sở phải mua máy mới 100% nhưng vốn đầu tư lớn, trong khi máy nhập khẩu đã qua sử dụng giá rẻ hơn khoảng 30%, độ chính xác cao, bền, tiêu thụ ít điện năng phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của cở sở lại không được tính.
Cùng đó, một số nội dung mặc dù được đề cập trong chính sách khuyến công nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể như: Sản xuất sạch hơn; sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở CNNT; liên kết cụm công nghiệp… cũng khiến địa phương lúng túng trong thực hiện.
Tương tự, khuyến công Đồng Nai cũng đang gặp khá nhiều vướng mắc trong triển khai các đề án. Cụ thể, đề án xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc thiết bị, khi đăng ký kế hoạch yêu cầu phải nêu cụ thể đối tượng thụ hưởng, thông số kỹ thuật của thiết bị dự kiến hỗ trợ. Trong khi thời gian từ đăng ký đến thực hiện quá dài, có thể hơn 1 năm phát sinh nhiều vấn đề, như: Thay đổi đơn vị thụ hưởng, mức đầu tư, thông số kỹ thuật của thiết bị nên phải làm thủ tục xin điều chỉnh đề án. Tuy nhiên, các thủ tục này rất phức tạp không phải đối tượng thụ hưởng nào cũng có thể đáp ứng.
Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu, thời gian từ đăng ký đến khi được cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu kéo dài 9 – 12 tháng khiến việc thanh quyết toán gặp trở ngại vì chứng từ không hợp lệ do không nằm trong năm kế hoạch…
Những khó khăn của khuyến công Long An, Đồng Nai đang gặp phải là tình trạng chung của hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam. Sự lạc hậu của một số quy định khiến các địa phương khó tìm kiếm đối tượng thụ hưởng, không phát huy hết được vai trò của chương trình.
Đề xuất điều chỉnh
Để khắc phục những bất cập trên, một số địa phương đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện chính sách khuyến công tại địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là nỗ lực của từng địa phương, để hoạt động khuyến công thực sự thuận lợi trong triển khai đồng thời phát huy được hiệu quả, chương trình khuyến công cần được đổi mới từ hệ thống văn bản chính sách. Theo đó, Sở Công Thương Long An đề nghị: Điều chỉnh Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương theo hướng áp dụng nội dung và mức chi hỗ trợ thống nhất giữa trung ương và địa phương. Điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ cho nội dung: Sản xuất sạch hơn; xử lý môi trường tại cơ sở CNNT. Cho phép đầu tư, ứng dụng các loại máy móc thiết bị hiện đại đã qua sử dụng nhưng phù hợp với nhu cầu của cơ sở. Nghiên cứu điều chỉnh thời gian hỗ trợ cho các dự án có thời gian đầu tư dài, phụ thuộc vào chứng nhận của ngành khác.
Sở Công Thương Bình Phước cũng đề nghị: Sửa đổi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công và thông tư số 26 cho phù hợp với hoạt động thực tế tại các đơn vị. Cụ thể, với dạng đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, đề nghị được lập theo nhóm đối tượng thụ hưởng để chủ động hơn trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Các đề án khuyến công quốc gia điển hình, có hiệu quả cao được tổ chức thực hiện ở các tỉnh cần được giới thiệu rộng rãi nhằm nhân rộng mô hình.
Cục Công nghiệp địa phương đang tích cực lấy ý kiến đóng góp của các địa phương nhằm điều chỉnh quy định trong một số văn bản chính sách thuộc lĩnh vực khuyến công cho sát hơn với nhu cầu thực tế.
Theo BaoCongThuong.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH