12/10/2018

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Trong nền kinh tế thị trường, để duy trì và phát triển các doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu và đó cũng là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp. Đạt được lợi nhuận tối đa, nâng cao giá trị của doanh nghiệp thì trước hết doanh nghiệp phải tự tìm được chỗ đứng cho mình bằng chính việc xác định được phân khúc thị trường và thị hiếu người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp.
Chính vì thế, thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho các cơ sở doanh nghiệp nông thôn mở rộng tiêu thụ hàng hóa và là nơi giao lưu trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1).
Thực hiện sự chỉ đạo của Cục CNĐP nay là Cục Công Thương địa phương (CTĐP), Trung tâm 1 đã triển khai xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực miền Bắc có Trụ sở tại tòa nhà Bộ Công Thương (số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là nơi kết nối, gặp gỡ, trao đổi và giới thiệu quảng bá các sản phẩm tiêu biểu cấp Quốc gia của các doanh nghiệp, làng nghề.
Khách hàng thăm quan sản phẩm tại phòng trưng bày giới thiệu hàng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – Bộ Công Thương
Trong nền kinh tế thị trường, để đạt được lợi nhuận tối đa, nâng cao giá trị của doanh nghiệp thì trước hết doanh nghiệp phải tự tìm được chỗ đứng cho mình bằng chính con đường là chiến thắng trong cạnh tranh. Để doanh nghiệp của mình phát triển và cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác thì việc đầu tiên là phải đưa ra mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá thành phù hợp với tiêu dùng… để thực hiện được việc đó thì sự giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà sản xuất với nhau là việc làm cần thiết. Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Lanh – Phó Giám Đốc trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 – người trực tiếp quản lý và chỉ đạo phòng trưng bày 655 Phạm Văn Đồng.
Ông Nguyễn Thế Lanh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1.
Xin chào ông Nguyễn Thế Lanh, ông có thể giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của phòng trưng bày ?
Xuất phát từ các hoạt động khuyến công thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp nên chúng tôi đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các cơ sở sản xuất CN – TTCN về những khó khăn trong công tác phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính vì thế Trung tâm 1 đã có những đề xuất với Lãnh đạo Cục về việc xây dựng các phòng giới thiệu sản phẩm và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường tại từng khu vực. Năm 2016 Trung tâm 1 đã được Cục CTĐP giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng phòng trưng bày sản phẩm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực miền Bắc có trụ sở tại 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Từ đó đến nay, phòng trưng bày sản phẩm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu luôn là nơi giới thiệu, trưng bày các sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, hội tụ những tinh hoa tiêu biểu nhất của các doanh nghiệp, làng nghề khu vực phía Bắc. Là nơi giao lưu gắn kết học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến các bạn hàng và đến tay người tiêu dùng và đang hướng tới xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ cung cấp các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đẩy mạnh công tác kết nối, gặp gỡ trao đổi thông tin chi tiết các sản phẩm, cở sở CNNT có sản phẩm trưng bày với các đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu về hàng hóa và liên kết sản xuất. Thường niên tổ chức các buổi tọa đàm nhằm tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu cho các cơ sở CNNT sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Năm 2017 phòng trưng bày đã từng bước xây dựng, mở rộng quy mô về trưng bày các nhóm sản phẩm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa dạng hơn, tinh tế hơn về mẫu mã để đẩy mạnh thông tin quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp. Hiện tại, phòng trưng bày đang trưng bày các nhóm hàng như: thủ công mỹ nghệ, cơ khí, dệt may, thực phẩm, mây tre đan, kim khí,…đặc biệt năm 2018 được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, phòng trưng bày đã triển khai duy trì các mặt hàng  đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ gắn kết hoạt động khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực với nhau, tạo nên một mạng lưới rộng khắp cả nước, nhằm quảng bá hình ảnh, hoạt động khuyến công cũng như hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Cảm ơn Ông, Ông có thể cho biết về những thuận lợi của phòng trưng bày mình được không ?
Kết quả hoạt động của phòng trưng bày được như ngày hôm nay, là do chúng tôi đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Cục Công Thương địa phương; các phòng ban chuyên môn thuộc Cục; Ban lãnh đạo Trung tâm 1, Trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp có những sản phẩm phù hợp với hoạt động của chương trình, từ đó chúng tôi đã tạo ra được mối liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng, từng khu vực trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, số sản phẩm trưng bày ngày một tăng lên, đa dạng và chất lượng hơn với hơn 250 mẫu mã sản phẩm khác nhau cùng số lượng hàng ngàn sản phẩm. Ngoài ra cũng phải nói tới là địa điểm của phòng trưng bày được đặt tại Hà Nội là nơi giao thương thuận lợi, vì thế chúng tôi đã xúc tiến được nhiều hoạt động giao thương giữa nhà sản xuất và các doanh nghiệp hoạt động thương mại, nhà phân phối, đại lý bán hàng.
Xin cảm ơn ông, ngoài những mặt thuận lợi nói trên thì song song với đó còn có những mặt khó khăn gì hay không ?
Bên cạnh những thuận lợi trên thì vẫn còn có những mặt khó khăn nhất định. Trong thời buổi hội nhập sâu rộng, công tác xúc tiến thương mại được coi là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp tìm đường lối khi sang các thị trường lớn. Phòng trưng bày cũng mới hoạt động được vài năm nên còn khá mới mẻ, cần được hỗ trợ về đào tạo về nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ cũng cần sự giúp đỡ về cơ chế huy động tài chính. Để làm sao phòng trưng bày là nơi kết tụ những nét đặc sắc riêng của từng sản phẩm và cũng là nơi để tổ chức những buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, phổ biến thông tin thị trường trong và ngoài nước tới từng doanh nghiệp và từng mẫu từng sản phẩm khác nhau. Đó cũng là một số những khó khăn nổi bật trước tiên.
Vậy ông có những giải pháp như thế nào để phát triển phòng trưng bày nói riêng và các doanh nghiệp nói chung để đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển mạnh hơn ?
Đối với các doanh nghiệp nói chung và phòng trưng bày nói riêng thì việc đầu tiên chúng ta lên quan tâm đó chất lượng sản phẩm và đầu ra đạt hiệu quả cao cho các doanh nghiệp. Chính vì thế, hướng tới  phòng trưng bày tiếp tục và phát triển đẩy mạnh nâng cao quảng bá giới thiệu các sản phẩm giúp cơ sở CNNT giới thiệu sản phẩm. Xây dựng đẩy mạnh công tác kết nối gặp gỡ trao đổi thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở CNNT với các đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu hàng hóa về liên kết sản xuất và tổ chức các buổi tọa đàm giao thương giữa các cơ sở CNNT sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn ông đã giành thời gian cho buổi trò chuyện ngày hôm nay./.
Hải Anh – HCTH