Đạt Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia – Doanh nghiệp kỳ vọng mở rộng thị trường
Là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020 được Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng lựa chọn, gửi đăng ký tham gia chương trình bình chọn cấp quốc gia năm 2021 do Hội đồng bình chọn (Bộ Công Thương) tổ chức, sản phẩm “Chiếu trúc” của Công ty TNHH MTV 688 (Cao Bằng) đã được Hội đồng bình chọn, Ban giám khảo đánh giá cao và lọt vào danh sách các sản phẩm đạt đủ điều kiện được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Ưu điểm thuyết phục
“Vượt trội về chất lượng; sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, sẵn có của địa phương; sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; doanh nghiệp giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương” là những ý kiến nhận xét, đánh giá của các thành viên trong Ban Giám khảo trực tiếp chấm điểm, bình chọn đối với sản phẩm “Chiếu trúc” và doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm của tỉnh Cao Bằng.
Đáp ứng được các tiêu chí bình chọn ở cấp quốc gia, sau khi sản phẩm chính thức có tên trong Danh sách các sản phẩm được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 trao đổi với ông Nguyễn Quang Quyền- Giám đốc Công ty TNHH MTV 688 (thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho hay: Về mặt mẫu mã, hình thức, chiếu trúc của doanh nghiệp không có quá nhiều khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên về chất lượng, sản phẩm được người tiêu dùng trên thị trường nhiều năm qua ghi nhận “đặc biệt tốt” và không sử dụng hoá chất trên bề mặt.
Chiếu trúc được làm từ cây trúc sào, đặc sản của Cao Bằng. Loại trúc này rất kén thổ nhưỡng và khí hậu, tại Cao Bằng chỉ một số huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông nằm ở độ cao 400-500 mét trên mặt nước biển mới phù hợp với loại cây này. Trúc sào có lượng sợi xenlulo dầy, có độ dẻo và chắc. Sợi xenlulo càng dầy thì thân cây trúc càng ít bọng nước, lượng đường chứa càng ít. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp dùng nước sôi luộc kỹ để đẩy đường, kết hợp với sấy khô chỉ còn 5% độ ẩm, khi ra môi trường sản phẩm hút ẩm trở lại nhưng chỉ luôn ở mức 15%, tạo nên độ dẻo hoàn hảo của nan trúc. “Một điểm đặc biệt nữa, chiếu trúc được giữ nguyên lớp cật, tạo lớp vỏ bóng sừng, do vậy, cho dù sử dụng tới hàng chục năm vẫn không bị mối mọt, thâm và rất hạn chế mốc”, ông Nguyễn Quang Quyền nói.
Chính bởi sự vượt trội về chất lượng, sản phẩm chiếu trúc của Công ty TMHH MTV 688 đã được người tiêu dùng trong nước tin dùng trong suốt thời gian qua. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Quyền, trước thời điểm dịch xảy ra, sản lượng của doanh nghiệp đạt khoảng 100.000 chiếc chiếu/năm và sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Tuy sản lượng chưa nhiều nhưng người tiêu dùng tại các thị trường này bắt đầu quen với sản phẩm, rất có triển vọng gia tăng kim ngạch.
Chia sẻ về kỳ vọng của mình sau khi sản phẩm của doanh nghiệp được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, ông Nguyễn Quang Quyền cho hay, doanh nghiệp mong muốn: Tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để khuyến khích hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiểu biểu trong đó có sản phẩm “Chiếu trúc” của tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh chung về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi phù hợp để mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu, hình ảnh sản phẩm tiêu biểu của mình tới thị trường trong và ngoài nước; cung cấp thông tin để cộng đồng, xã hội biết đến nhiều hơn về sản phẩm CNNT tiêu biểu,.. Từ đó, không chỉ tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn giúp nhiều bà con vùng trồng trúc ổn định đời sống.
Doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Dù chất lượng sản phẩm đã được khẳng định qua sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước, tuy nhiên Giám đốc Công ty TNHH MTV 688 chưa bao giờ có ý định bằng lòng với những gì đã đạt được. Giá đốc doanh nghiệp chia sẻ, trong tâm thức luôn luôn tồn tại suy nghĩ làm thế nào để nâng cấp mẫu mã và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt thất các yêu cầu của thị trường đối với sản phẩm. Được biết năm 2013, doanh nghiệp đã được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia trong quá trình đầu tư nhà xưởng, máy móc. Thiết bị được hỗ trợ đầu tư bao gồm máy dệt chiếu và máy ép chiếu, hiện các thiết bị này đang vận hành tốt, giúp giảm đáng kể lao động thủ công và tăng năng lực sản xuất cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Quyền cũng cho biết, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, thiết bị này đã bị lỗi thời, cộng với mong muốn nâng cấp hơn nữa chất lượng và đưa sản phẩm lên phân khúc cao cấp, doanh nghiệp cần khoảng 20 tỷ đồng cho cải thiện nhà xưởng, máy móc. “Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền phục hồi, doanh nghiệp tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ để nâng cấp nhà xưởng, sản phẩm”, ông Nguyễn Quang Quyền thông tin.
Được biết, sản phẩm “Chiếu trúc” của Công ty TNHH MTV 688 được phép mang chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” của tỉnh Cao Bằng do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp, song song với đó là tem ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thông tin liên hệ đã minh bạch thông tin và tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không nằm ngoài bối cảnh chung hiện nay, Công ty TNHH MTV 688 đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo ước tính của giám đốc công ty, so với năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp năm 2020 chỉ đạt 40% và năm 2021 đến nay chỉ đạt khoảng 10%. Sản xuất luân phiên, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hầu hết phải lưu kho. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của bà con vùng trồng nguyên liệu, do lượng thu mua giảm.Sản phẩm của doanh nghiệp cũng đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc với giá thành chênh lệch tới 50-60%.
Với những khó khăn trên, ông Nguyễn Quang Quyền mong muốn, các cơ quan chức năng kiểm soát chặt hơn nữa thị trường trong nước, ngăn chặn sản phẩm nhập lậu; giảm và đơn giản hoá thủ tục giúp các doanh nghiệp vay vốn dễ dàng hơn nhằm duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn thời điểm hiện tại; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình nâng cấp thiết bị, đổi mới sản xuất trong thời gian tới…
Nguồn: http://arit.gov.vn/
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024