08/11/2018

Đào tạo nghề cho nữ giới phục vụ nhu cầu cách mạng công nghiệp 4.0

Bảo đảm sự tham gia của cả nữ giới và nam giới trong đào tạo nghề, phát triển việc làm là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực đa dạng, phát huy được năng lực, sở trường sáng tạo của mỗi giới, đáp ứng những yêu cầu mới trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho phụ nữ đã được chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy nhưng tồn tại về giới cần được quan tâm, trong đó có đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cơ hội tiếp cận việc làm. Theo số liệu thống kê quốc gia năm 2016, tỷ lệ nữ giới không có bằng cấp là 21,7% cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với ở nam giới. Tỷ lệ nữ giới có bằng THCS, THPT, trung cấp nghề, cao đẳng trở lên đều thấp hơn nam giới với tỷ lệ chênh lệch từ 0,7 đến 3,5%.

Hiện nay, sự phân hóa ngành nghề và việc làm theo giới tính vẫn tồn tại khá phổ biến. Nữ giới tập trung nhiều hơn trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; giáo dục; buôn bán; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình. Trong khi đó, nam giới tập trung ở các lĩnh vực: Khai khoáng; xây dựng; vận tải, kho bãi; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ.

Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cũng luôn thấp hơn so với lao động nam giới. Thực trạng này diễn ra ở cả thành thị và nông thôn. Năm 2016, chỉ có 18,4% lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, so với 23,3% lao động nam. Chênh lệch về tỷ lệ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật giữa lao động nam và nữ ở khu vực thành thị là 5,9 điểm phần trăm, khu vực nông thôn là 4,2 điểm phần trăm.

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, được dự báo sẽ có những tác động lớn đến thị trường lao động. Công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới, nhưng cũng tồn tại nguy cơ những người không có hoặc ít cơ hội tiếp cận công nghệ sẽ bị bỏ lại phía sau. Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), do sự chênh lệch về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lao động nữ dễ bị thay thế có tỷ lệ cao hơn 2,4 lần so với lao động nam. Bên cạnh đó, là các yếu tố văn hóa với định kiến giới đối với các ngành nghề “truyền thống” thái độ không ủng hộ phụ nữ với các ngành nghề kỹ thuật.

Mong đợi của xã hội về vai trò tái sản xuất hơn là sản xuất đối với nữ giới là một rào cản lớn ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp. Chính vì vậy, giáo dục nghề nghiệp cần có nhạy cảm giới, nhận diện nhu cầu đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của nữ giới. Từ đó, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, can thiệp bảo đảm cho nữ giới có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở thích cá nhân, giá trị nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động.

daotao4 01

Khuyến nghị mô hình đào tạo nghề có nhạy cảm giới trong giáo dục nghề nghiệp, TS Trần Thị Hồng, Chuyên gia Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) cho rằng: Truyền thông thay đổi nhận thức, quan niệm mang định kiến giới về việc làm, vai trò của phụ nữ và nam giới nhằm xóa bỏ rào cản để phụ nữ có thể tham gia vào các ngành nghề thường tập trung nhân lực là nam giới; Xây dựng chương trình đào tạo nghề theo nhu cầu của từng nhóm đối tượng, trong đó, chú ý đến nhóm đối tượng đặc thù như: Học sinh bỏ học, các bà mẹ trẻ, phụ nữ di cư…

Nội dung đào tạo, ngoài các kiến thức kỹ năng nghề, cần chú ý đến những kỹ năng mềm như: Khả năng đàm phán, giao tiếp, tổ chức cuộc sống… cho phụ nữ để họ có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình trong tiếp cận nghề nghiệp và việc làm bền vững. Kết nối đào tạo nghề với nhu cầu thị trường lao động, nâng cao chất lượng những nghề mà nữ giới thường làm, bảo đảm cơ hội việc làm bình đẳng cho nữ giới…

Theo moit.gov.vn