Đà Nẵng: Sản phẩm công nghiệp nông thôn “xuất ngoại”
Hầu hết các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đà Nẵng đã “vươn ra khỏi làng” có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, có những sản phẩm đã và đang có kế hoạch “xuất ngoại”, được nhiều đối tác quốc tế đến tìm hiểu, đặt vấn đề mua hàng.
Các sản phẩm CNNTTB Đà Nẵng hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và được người tiêu dùng đón nhận
Trở thành quà tặng du lịch và phủ sóng cả nước
Từ khi sản phẩm nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB), hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty TNHH Hồng Hương như tất bật hơn bởi có thêm nhiều đơn hàng và nhiều du khách tìm đến đặt hàng làm quà tặng cho người thân. Ông Bùi Thanh Phú – Giám đốc Công ty cho biết mặc dù chất lượng quyết định lên thương hiệu và niềm tin của người dùng về lâu dài, tuy nhiên, trở thành một sản phẩm CNNTTB như là một sự bảo chứng tín thương hiệu để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sản phẩm hơn. Đến nay, sản phẩm của đơn vị đã có mặt ở nhiều đại lý, cửa hàng tại nhiều thành phố lớn trong cả nước.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Đức Khiển – Đại diện cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho biết chứng nhận sản phẩm CNNTTB góp phần khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm bánh khô mè của cơ sở, hướng người tiêu dùng chú ý đến sản phẩm nhiều hơn. Bên cạnh đó, là một sản phẩm CNNTTB cơ sở của ông cũng được Sở Công Thương hỗ trợ nhiều hơn trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho sản phẩm, đặc biệt là nhận được sự tư vấn, hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng. “Trước đây việc sản xuất bánh khô mè của cơ sở dùng nhiên liệu là than củi đốt, sau khi được Trung tâm Khuyến công và XTTM Đà Nẵng tư vấn và hỗ trợ đơn vị đã chuyển sang hệ thống đun nấu 100% bằng điện, nâng cao việc đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm”, ông Khiển chia sẻ và cho biết, hiện sản phẩm đã “phủ sóng” toàn bộ các cửa hàng đặc sản trong cả nước, nhất là tại TP. Đà Nẵng và được người tiêu dùng, khách du lịch đón nhận.
Còn bà Đinh Nguyễn Hoàng Thư – Giám đốc HTX Công nghệ cao Mặt trời Việt thì cho biết đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Sở Công Thương thành phố trong việc thông tin & hỗ trợ một phần chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại. “Chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm khuyến công và Sở Công thương khi tham gia các hội chợ như Hội chợ Hàng Việt được giảm 50% chi phí gian hàng, sắp tới, chúng tôi được hỗ trợ tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tại Quảng Bình để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đại lý”, bà Thư cho hay.
Sản phẩm ván ép của Công ty Plywood là một trong ít sản phẩm CNNTTB Đà Nẵng đã xuất khẩu
Khó khăn do Covid – 19
Hầu hết các sản phẩm CNNTTB đều đến từ các hộ/cơ sở/hợp tác xã sản xuất và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, năng lực sản xuất và sức chống chịu chưa cao. Cùng với đó, nhiều sản phẩm CNNTTB sử dụng chủ yếu làm quà tặng cho khách du lịch, vì vậy, khi dịch Covid – 19 “quét” qua đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các đơn vị.
“Toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều đứng chựng lại. Khách du lịch gần như không còn lên tham quan làng nghề, các đại lý thì hoãn đơn hàng. Chỉ có các cửa hàng, đại lý tạp hóa tại Đà Nẵng vẫn bán do người dân vẫn tiêu dùng hàng ngày, nhưng sức tiêu thụ cũng rất chậm”, đại diện cơ sở nước mắm Hồng Hương cho hay.
Khó khăn hơn, cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ rơi vào tình trạng “khóc ròng” do các đại lý liên tục gọi điện trả lại hàng. “Giãn đơn, hoãn đơn hàng thì dễ rồi. Nhưng đối với những sản phẩm đã sản xuất chuyển đến cửa hàng thì đại lý gọi trả lại. Bởi vì đây là thực phẩm, mà thực phẩm thì có hạn sử dụng. Kể cả đại lý không trả hàng thì cơ sở cũng phải chủ động thu hàng lại không để xảy ra tình trạng hàng quá hạn sử dụng, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở”, ông Khiển nói và cho biết, hàng phải thu lại và còn đảm bảo chất lượng nên để các sản phẩm mình làm ra có giá trị ông và gia đình đã mang tặng toàn bộ sản phẩm cho các đơn vị, cơ sở cách ly, cho người nghèo. “Tổng giá trị hàng thu hồi lại lên đến hơn 100 triệu đồng, đó là số tiền rất lớn đối với cơ sở sản xuất nhỏ. Nhưng dịch bệnh là bất khả kháng và chúng tôi cũng mừng vì sản phẩm của mình cũng đến được với người tiêu dùng dù là miễn phí”, ông Khiển bộc bạch.
Là một trong số ít sản phẩm CNNTTB xuất khẩu, ông Trương Phú Sơn – Công ty TNHH MTV SX và TM Dana Plywood cho hay do dịch Covid – 19 bùng phát, nhiều đơn hàng xuất khẩu của công ty đã bị hoãn, giãn thời gian, hoạt động xây dựng trong nước chững lại nên đơn hàng trong nước cũng bị ảnh hưởng.
Sản phẩm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đang nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác nước ngoài
Khôi phục sản xuất, hướng đến xuất khẩuKhi thời gian giãn cách xã hội được nới lỏng là lúc các doanh nghiệp, đơn vị CNNTTB Đà Nẵng bắt tay vào khôi phục sản xuất và có những kế hoạch riêng để bù đắp cho thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, đặc biệt, một số sản phẩm có kế hoạch “xuất ngoại”.
“Ngày 04/7 tới đây, làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ chính thức đón nhận bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “nghề làm nước mắm Nam Ô”, Tôi kỳ vọng đây sẽ là bước khởi động mạnh mẽ chính thức để bắt đầu trở lại việc đưa làng nghề trở thành điểm đến du lịch và sản phẩm nước mắm Nam Ô, trong đó có Hương Làng Cổ sẽ phát triển, được thị trường đón nhận nhiều hơn”, ông Phú nói.
Còn bà Hoàng Thư thì bắt đầu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị bằng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tìm kiếm đối tác. “Chúng tôi sẽ tham gia Hội chợ nông sản Hòa Vang (02 – 04/7), sau đó sẽ tham gia Hội nghị kết nối cung cầu khuyến công miền Trung – Tây Nguyên tại Quảng Bình (09 – 10/7) và nhiều chương trình khác để tìm kiếm đối tác, đơn vị phân phối cho sản phẩm”, bà Thư chia sẻ.
Tảo xoắn Spirulina của HTX CNC Mặt trời Việt và nhiều sản phẩm CNNTTB khác được hỗ trợ công tác quảng bá, XTTM để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh
Ông Huỳnh Đức Khiển vui vẻ cho hay hiện các cửa hàng đặc sản đã mở lại, đơn hàng đã tiếp tục được thực hiện. Sức tiêu thụ dù chưa hoàn toàn như trước nhưng đã khôi phục được 80%.
Đặc biệt, sản phẩm cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ hiện đang được nhiều đối tác tại Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc quan tâm. “Chúng tôi đang đàm phán, thương lượng với các đối tác để xúc tiến các đơn hàng đầu tiên. Vướng mắc hiện nay là có một số công đoạn thủ công và diện tích sản xuất nhỏ nên còn khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất. Chúng tôi đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ vấn đề này”, ông Khiển thông tin.
Đã có những đơn hàng xuất khẩu nhưng đang chững lại do dịch Covid – 19, ông Trương Phú Sơn cho biết hiện đang đàm phán với các đối tác về thời gian xuất khẩu trở lại. “Chúng tôi đang chờ thư trả lời từ các đối tác. Ngay khi có thời gian cụ thể, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất và mở LC để xuất khẩu sản phẩm trở lại”, ông Sơn nói.
Vũ Lê
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024