Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021, từ đó nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng Việt Nam.
Tập trung nguồn lực phát triển thị trường
Trong bối cảnh, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của thị trường nội địa, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương khắc phục tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển đất nước.
Theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và tăng cường thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo. Hàng loạt các hoạt động, giải pháp, trong đó phải kể đến các hoạt động như: (i) Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; (ii) Triển khai Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia áp dụng trên toàn quốc.
Qua đó, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng hóa chống dịch đã được sản xuất và phân phối phục vụ đầy đủ nhu cầu của gần 100 triệu người dân trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, ngay trong giai đoạn cách ly toàn xã hội và trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, các hoạt động kích cầu thị trường nội địa vẫn được tiếp tục lồng ghép trong các hoạt động, Chương trình, Đề án triển khai trong năm 2021 của Bộ Công Thương như Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động năm 2021 của Bộ Công Thương, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025, Chương trình Thương mại điện tử quốc gia, chương trình khuyến công quốc gia, các hoạt động quản lý thị trường,…
Chủ động vượt qua thách thức, triển khai hiệu quả Cuộc vận động
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Cuộc vận động còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại cần được khắc phục như áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các doanh nghiệp FDI sản xuất, trong đó chủ yếu là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Một số hàng Việt Nam còn chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi,… Một số doanh nghiệp Việt còn gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt.
Hơn nữa, lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, đặc biệt trên không gian mạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của quản lý thị trường, kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo.
Hạ tầng thương mại chưa phát triển, đặc biệt là các chợ chưa hỗ trợ được phát triển, phân phối hàng Việt Nam theo hướng văn minh hiện đại.
Một số doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; các hộ nông dân… do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Các doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng,…
Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam hiện đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam phát triển, song lại là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh tại thị trường trong nước do hàng hóa của các nước phát triển nhập khẩu vào thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng với điều kiện thuận lợi hơn; Bên cạnh đó Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Việc Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với cơ quan đầu mối là Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chính là phát huy sức mạnh của gần 100 triệu người Việt Nam, sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lan truyền thông điệp chung sức đồng lòng, vươn lên bứt phá để phục hồi và phát triển kinh tế; đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, nhu cầu của các doanh nghiệp và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân.
Để tiếp tục triển khai Cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo, ngày 19 tháng 5 năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, trong đó đã nêu rõ: “Tập trung triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021; sớm xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài giai đoạn 2021-2030” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 (tại Quyết định số 373/QĐ-BCT ngày 04 tháng 02 năm 2021) và các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, trong đó đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động và các nội dung “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm quảng bá cho hàng Việt Nam có chất lượng và các doanh nghiệp Việt Nam uy tín, sản xuất xanh, áp dụng truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt, từ đó nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng Việt Nam.
Nguồn: https://moit.gov.vn/
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia