Cục Công Thương địa phương: Triển khai hiệu quả các đề án
Từ đầu năm tới nay, công tác khuyến công gặp nhiều khó khăn, Cục Công Thương địa phương-Bộ Công Thương đã phối hợp cùng địa phương tháo gỡ, triển khai các đề án
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (CTĐP) – đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương vấn đề này.
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương
Xin ông cho biết về một số, kết quả nổi bật của công tác khuyến công trên cả nước trong nửa đầu năm 2022?
Tính đến hết tháng 7/2022, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2022 được phê duyệt của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan là 329 tỷ đồng, tăng 40,59% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) được giao 189 tỷ đồng, chiếm 57,45% tổng kinh phí; kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) được giao 140 tỷ đồng, chiếm 42,55%.
Hoạt động khuyến công đã tiếp tục góp phần giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, sau tác động và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chương trình khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở CNNT khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.
Riêng đối với chương trình KCQG, sau khi được phân bổ ngân sách cho triển khai kế hoạch, nhiều trung tâm khuyến công địa phương đã triển khai ký hợp đồng ngay với doanh nghiệp để mua sắm đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh, trong đó, phải kể tới khuyến công các tỉnh Hà Nam, Phú Yên, Bình Phước…
Trong đánh giá mới đây, Cục CTĐP đã chỉ rõ những khó khăn, trong đó, có việc chậm phân bổ ngân sách cho triển khai kế hoạch KCQG, Cục cùng các địa phương đã có giải pháp gì để khắc phục khó khăn này, thưa ông?
Do ngân sách trung ương cho chương trình KCQG đến tháng 5/2022 mới được phân bổ về Bộ Công Thương, nên công tác triển khai thực hiện các đề án bị ảnh hưởng, tiến độ chậm, phần nào làm ảnh hưởng tới tính kịp thời của các chính sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở CNNT trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19.
Dù vậy, Cục CTĐP đã nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, đơn vị triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện đề án khi có kinh phí; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc. Cục tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát về tình hình thực hiện công tác khuyến công, cụm công nghiệp.
Cùng đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đề án KCQG cho phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công các tỉnh Thanh Hóa, Tây Ninh để tổ chức hội nghị khuyến công, hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu năm 2022 đúng theo tiến độ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát các đề án KCQG năm 2022.
Cộng đồng doanh nghiệp CNNT đã và đang nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, công tác khuyến công đã đồng hành như thế nào cùng doanh nghiệp? Theo ông, yếu tố nào quan trọng và tạo thành công trong mối quan hệ tương hỗ giữa khuyến công và doanh nghiệp?
Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với Nghị quyết này, công tác khuyến công được định hướng đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.
Triển khai các Nghị quyết trên, Bộ Công Thương đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục lại chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng doanh nghiệp quyết tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân trong bối cảnh hậu Covid-19. Đây cũng là yếu tố quan trọng để hoạt động khuyến công trên cả nước hỗ trợ tích cực cho cơ sở CNNT tận dụng cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng như những năm tiếp theo.
Về mối quan hệ tương hỗ giữa khuyến công và doanh nghiệp, để thành công, cần tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung về khuyến công giữa Bộ Công Thương (qua Cục CTĐP) với các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội. Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn của Sở Công Thương với đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện nhiệm vụ về khuyến công; giữa đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công với phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã. Từ đó, kết nối với các doanh nghiệp và cơ sở CNNT.
Ngoài ra, tăng cường trao đổi, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia