Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà: chất lượng là sự sống còn của Công ty
Ở nước ta hiện nay, ngành Công nghiệp dệt may đang ngày càng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân. Nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao, phong phú, đa dạng của con người, mà còn là ngành nghề giúp Việt Nam đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người trong xã hội và đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách quốc gia, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế từng bước phát triển theo hướng tích cực, khả quan nhất.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hà, Giám đốc, Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà, tại thôn An Ninh, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, sau đây là cuộc trao đổi.
Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà
– Xin chào bà, bà vui lòng giới thiệu đôi nét về Công ty Thiên Hà?
– Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà trả lời.
Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà, mặc dù mới được thành lập năm 2018, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc. Với quy mô đầu tư trên 8 tỷ, diện tích nhà xưởng hơn 5.000m2 bao gồm nhà điều hành và nhà xưởng, cũng như dây chuyền sản xuất khép kín, máy móc hiện đại, đồng bộ được nhập khẩu từ nước ngoài,… Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà tuy mới thành lập, nhưng lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của công ty là những người đã hoạt động lâu năm trong ngành may mặc và công ty có lợi thế là nằm trên địa bàn xã Gia Hòa và các xã lân cận như Gia Thanh, Gia Phương, Gia Hưng..Là địa bàn thuần nông, nên công ty cũng thuận lợi trong công tác tuyển dụng công nhân. Lực lượng lao động của công ty hiện nay có khoảng 70% là lao động địa phương đã từng làm tại các công ty may mặc lớn khắp trong nam, ngoài bắc và có tay nghề thuần thục, còn lại khoảng 30% là lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương và các cháu vừa hoàn thành chương trình học phổ thông đã được công ty tuyển dụng và đào tạo.
– Với phương châm hoạt động của mình là gì, thưa bà?
– Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà trả lời.
Với phương châm “Chất lượng phải là hàng đầu và đáp ứng mọi yêu cầu khách hàng” luôn là mục tiêu theo đuổi của Công ty chúng tôi.
Do vậy, chúng tôi luôn luôn tìm kiếm, cập nhật công nghệ mới, nâng cao kinh nghiệm quản lý, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của khách hàng và sản phẩm được tuân thủ nguyên tắc: Chất lượng cao, giao hàng đúng thời gian.
– Vậy, xin bà cho biết, những sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đặc biệt là thị trường Mỹ, thì Công ty cần phải đạt được những tiêu chuẩn gì?
– Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà trả lời.
* Yêu cầu về hình dáng, kiểu mẫu và kích thước cơ bản:
– Hình dáng quần áo phải phù hợp với kiểu cách thiết kế và có tính thẩm mỹ cao. Đối với quần áo nhiều lớp, hình dáng bên trong cũng phải bảo đảm phù hợp theo thiết kế sản phẩm.
– Kiểu mẫu và kích thước cơ bản:
+ Quần áo thông dụng được sản xuất theo đúng kiểu mẫu và kích thước quy định trong tiêu chuẩn của đơn hàng hoặc hợp đồng;
+ Sai lệch cho phép của kích thước đối với quần áo có từ 2 lớp trở lên được quy định:
Quần áo hai lớp:
Các kích thước kiểm tra và sai lệch cho phép ở lớp ngoài như quần áo một lớp;
Ở lớp trong (lớp lót), thông số các kích thước cần phù hợp với thông số kích thước lớp ngoài để trong quá trình may không bị lé, không bị thừa nhiều và khi sử dụng không ảnh hưởng đến kích thước và kiểu dáng sản phẩm;
Áo hai lớp mà được sử dụng cả 2 mặt thì các thông số kích thước tương ứng ở cả 2 mặt phải bằng nhau và sai lệch cho phép ở từng mặt quy định như áo một lớp.
Quần áo nhiều lớp có lớp dựng:
Lớp ngoài: Quy định như đối với quần áo một lớp;
Lớp trong: Quy định như đối với lớp trong quần áo hai lớp;
Lớp dựng: Quy định về kích thước và vị trí dựng theo yêu cầu sản phẩm.
* Yêu cầu về kỹ thuật:
– Vải chính: Vải phải đảm bảo chất lượng tốt, có các chỉ tiêu cơ – lý – hóa (độ bền kéo đứt băng vải, độ dầy, sự thay đổi kích thước khi giặt, độ trắng, độ bền màu, đồng màu và chỉ tiêu ngoại quan) theo đúng quy định trong tiêu chuẩn của từng đơn hàng hoặc theo đúng mẫu chuẩn đã được ký kết trong hợp đồng.
– Vải dựng: Vải dựng dính (vải dựng có chất kết dính – mex) hoặc vải dựng không dính (vải dựng không có chất kết dính – canh tóc, bông cứng, bông mềm, xốp hoặc vải lót – dựng) phải có mầu sắc, độ co và độ dày phù hợp với màu sắc, độ co và độ dày của vải chính.
– Vải lót: Vải lót thân (vinylon, vải vân đoạn láng, satanh…) phải có màu thích hợp với vải chính và có các tính chất cơ – lý – hóa phù hợp để không gây ảnh hưởng đến kích thước, kiểu dáng trong quá trình sử dụng sản phẩm. Vải lót ở các vị trí khác có thể khác mầu với vải, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phù hợp với vải chính.
– Phụ liệu trang trí: Các phụ liệu trang trí có hình dạng, kích thước và họa tiết phù hợp nhằm tăng tính thẩm mỹ và ý đồ thiết kế sản phẩm may. Các họa tiết in phải có độ bền mầu cao.
– Chỉ: Chỉ phải phù hợp với yêu cầu của đường may liên kết, vắt sổ, trang trí hoặc phải theo đúng mẫu đã được ký kết trong hợp đồng. Chỉ may (trắng hoặc màu) phải có độ bền kéo đứt không nhỏ hơn 7N (700G). Thành phần nguyên liệu, chỉ số, hướng xoắn và màu sắc (độ bền màu, độ đồng màu với vải) phải phù hợp với màu sắc, chất liệu của từng loại vải, yêu cầu đường may và chỉ số kim. Chỉ vắt sổ hoặc tơ vắt sổ phải mềm mại, trơn đều và có chỉ số phù hợp với vải. Chỉ thêu phải có độ bền mầu, độ đồng mầu theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng họa tiết thêu hoặc đường trang trí.
– Cúc, gài, dán: Các loại cúc được sản xuất từ vật liệu phù hợp, có độ bền cơ và độ bền nhiệt để không bị biến dạng trong quá trình gia công và sử dụng. Cúc nhựa phải là nhựa nhiệt rắn. Các loại cúc phải có chất lượng tốt, có màu sắc, kích thước phù hợp với kiểu mẫu quần áo hoặc theo hợp đồng. Các loại gài làm bằng vật liệu đa dạng phải có tính thẩm mỹ, dễ liên kết trên sản phẩm và thuận tiện khi sử dụng. Miếng dán (băng dính) có kích thước phù hợp, bề mặt dán bám chắc và màu sắc thích hợp với sản phẩm.
– Khóa kéo: Các loại khóa kéo (bằng kim loại, bằng nhựa) cần bền chắc, có kích thước và màu răng khóa cũng như nền băng vải phù hợp với độ dày, màu vải và vị trí may khóa. Có thể sử dụng các loại khóa kéo theo hợp đồng.
– Nhãn hiệu, mác: Nhãn hàng hóa, nhãn cỡ vóc, nhãn mác (nhãn chính), nhãn ký hiệu hướng dẫn sử dụng,…được thể hiện rõ ràng, trang nhã trên vải hoặc giấy tốt, trình bày đẹp, có kích thước và nội dung phù hợp hoặc theo đúng hợp đồng.
* Yêu cầu về cách ghi nhãn, bao gói, vận tải và bảo quản hàng hóa
– Ghi nhãn và bao gói:
+ Yêu cầu xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường nước ngoài,…là mỗi sản phẩm phải có nhãn dệt hoặc in với nội dung sau: cỡ số, biểu tượng đơn vị sản xuất, tên nước xuất hàng, hướng dẫn sử dụng. Nội dung nhãn có thể ghi theo thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Ngoài nhãn dệt hoặc in có thể có thêm một nhãn bằng bìa cứng, trên có ghi: kiểu sản phẩm, thành phần nguyên liệu, màu sắc, cỡ số, chất lượng, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất;
+ Chữ dệt hoặc in trên các nhãn phải rõ nét, thẳng hàng;
+ Sản phẩm phải gấp cân đối, gài găm, đính kẹp đúng quy định;
+ Mỗi sản phẩm được đựng trong một túi PE, PP hoặc theo các yêu cầu khác của khách hàng;
+ Số lượng cỡ, màu sắc sản phẩm đựng trong một hộp và số hộp trong một thùng theo tiêu chuẩn các cấp hoặc theo hợp đồng;
+ Mỗi thùng phải có một tờ phiếu đóng hàng dán ở góc mặt hộp xếp trên cùng. Nội dung tờ phiếu ghi như sau: Mã hàng + Số lượng + Tên hàng và quy cách + Khối lượng cả bì và không bì + Ngày, tháng, năm đóng gói. Bên ngoài thùng phải được đai nẹp chắc chắn để bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải.
+ Ngoài mỗi thùng phải kẻ ký mã hiệu rõ ràng, với nội dung: Tên và địa chỉ cơ sở xuất hàng + Tên và địa chỉ cơ sở nhập hàng + Địa chỉ nhận hàng + Số hợp đồng và số lô hàng + Kiểu và số thứ tự hàng trong lô + Khối lượng cả bì và không bì + Ký mã hiệu bảo quản.
– Vận tải và bảo quản hàng hóa:
+ Các phương tiện vận tải phải khô ráo, sạch sẽ, có mái che mưa nắng;
+ Kho chứa hàng phải có mái che và hàng phải để trên bục cách nền nhà 30cm, cách tường 50cm;
+ Khi hàng đã đóng vào thùng thì các thùng hàng không được xếp cao quá và phải để đúng chỉ dẫn nắp thùng ở phía trên;
+ Hàng không được để cùng với chất dễ cháy, dễ dây bẩn.
Mặc dù là công ty mới được thành lập, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất hàng may mặc, Ban giám đốc đã đề ra phương châm: Chất lượng là sự sống còn và là kim chỉ nam cho sự phát triển của Thiên Hà
– Chiến lược phát triển dài hạn của Công ty và bà có đề xuất gì với các cơ quan quản lý Nhà nước?
– Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà trả lời.
+ Chiến lược phát triển dài hạn:
Với tư cách là nhà sản xuất hàng dệt may và các vật tư phụ trợ cho ngành dệt may. Công ty chúng tôi luôn chú trọng tập trung cải tiến thiết bị, sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu, nhằm đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Với chiến lược kinh doanh dài hạn mà chúng tôi đặt làm trọng tâm: Tạo sản phẩm tốt; xác định rõ phân khúc khách hàng; ra nhập cộng đồng Doanh nghiệp.
+ Đề xuất với các cơ quan chức năng:
Được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, nhất là sự quan tâm của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, năm 2020 Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật, giúp cho Công ty được hỗ trợ nâng cao tính chủ động trong sản xuất, đáp ứng tốt nhất về năng suất, chất lượng, mẫu mã, tiến độ thực hiện các đơn đặt hàng. Qua đó uy tín và thương hiệu của Công ty trên thị trường được khẳng định, số lượng đơn đặt hàng trong và ngoài nước của Công ty được tăng cao.
Một lần nữa, Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà chúng tôi trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của Quý cơ quan. Công ty chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ hơn nữa từ phía Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 trong quá trình hoạt động và phát triển.
– Xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trao đổi này, chúc bà cùng Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà ngày càng phát triển./.
Thực hiện: Ngọc Sơn
Ảnh: Văn Đốc
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia