04/07/2020

Công nghiệp, thương mại phải dịch chuyển nhanh và cao hơn

“Phải có giải pháp để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển lên nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức là tăng năng suất dựa trên ứng dụng đổi mới sáng tạo; Nếu không sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần là gia công”.

cntm

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của ngành Công Thương, ngày 12/7 vừa qua.

Thủ tướng nêu những khó khăn dồn dập trong 6 tháng đầu năm: Hiện tượng El Nino hơn 100 năm mới xuất hiện, gây hạn hán nghiêm trọng ở miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên; xuất khẩu toàn cầu gặp khó khăn, giá dầu thô giảm… song chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng trên 5% là cố gắng rất lớn. Trong đó, có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của ngành Công Thương.
Khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Ngành Công Thương bước vào 6 tháng đầu năm 2016 với một số thuận lợi, nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đang trong giai đoạn khó khăn, xu hướng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước; nhưng nhìn trên tổng quan vẫn xuất hiện những yếu tố, cơ hội để có thể thúc đẩy tăng trưởng cả trong sản xuất và thương mại trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành, Bộ Công Thương xác định tập trung vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Thông qua đó, khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất các giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm trên các mặt: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước, hội nhập kinh tế, cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp…

Mỗi giải pháp đều thể hiện rõ định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, là đối tác của doanh nghiệp, và đặc biệt coi trọng việc tương tác với doanh nghiệp và người dân, được cụ thể hóa theo ba hướng trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Quyết định, Chương trình công tác lớn, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Thứ hai, rà soát gỡ bỏ ngay các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, khơi dậy năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Bộ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như đã chỉ đạo tiến hành tập trung rà soát hơn 20 văn bản qui phạm pháp luật có các qui định về cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý phân bón, hóa chất, khoáng sản, an toàn thực phẩm… thuộc chức năng, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và đã xác định gần 50 nội dung sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ.

Thứ ba, xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành Công Thương một cách thực chất và toàn diện. Đến nay, Bộ đã mở rộng triển khai 26 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 và hầu hết các thủ tục hành chính công của Bộ Công Thương đã được triển khai thành các dịch vụ công trực tuyến. Và từ ngày 1/6/2016 chính thức đưa vào áp dụng Hệ thống quản lý văn bản điện tử (Hệ thống iMOIT) trong xử lý văn bản đi/đến. Qua đó, tất cả văn bản của các đơn vị trong Bộ sẽ hoàn toàn xử lý trên môi trường điện tử.

Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công Thương trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu, đảm bảo cung cầu hàng hóa trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, trong đó có yếu tố khách quan, để tìm ra nguyên nhân, khẩn trương khắc phục.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã giao cho ngành Công Thương một số nhiệm vụ tổng quát:

Thứ nhất, cần thay đổi cơ bản cách quản lý nhà nước để xây dựng được một nền kinh tế thị trường thực chất có hiệu quả. Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động; những việc thị trường làm không tốt, Nhà nước mới tham gia.

Thứ hai, phải có giải pháp để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển lên nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức là tăng năng suất dựa trên ứng dụng đổi mới sáng tạo. Nếu không sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần là gia công.

Thứ ba, phải huy động được khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện và động lực cho họ nỗ lực sáng tạo, tiếp thu công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phục vụ doanh nghiệp, đề xuất được về cải cách thể chế, cơ chế chính sách, về tổ chức thực thi, xây dựng hệ thống thông tin đánh giá, đề xuất, báo cáo Chính phủ.

Cần đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường. Nếu vẫn làm theo tư duy kế hoạch hóa sẽ thất bại. Chúng ta đã hình thành một tư duy, định hướng lớn cho Chính phủ. Đó là Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.

Thứ tư, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút thành công đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch kinh tế nước ta trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu chúng ta chỉ thu hút như hiện nay thì rất khó.

Thứ năm, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu tăng 10%, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong chuỗi bán lẻ hiện đại; tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để phát triển thị trường trong nước. Trước khó khăn khôn lường, tập thể Chính phủ quyết tâm chưa rút các chỉ tiêu. Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là ngành Công Thương cùng cả nước thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ giải pháp đề ra, tập trung tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, phát triển thị trường trong nước và ngoài nước. Nỗ lực phấn đấu cao nhất đạt tốc độ tăng trưởng của ngành Công Thương bằng và hơn năm 2015, góp phần quan trọng phát triển GDP 6,7% này.

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Bộ Công Thương cần đi đầu trong cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh, đó là thực hiện Nghị quyết 19/CP của Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết 35/CP, cần tạo một sức sống mới cho cả nước về sản xuất và xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

“Cần đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường. Nếu vẫn làm theo tư duy kế hoạch hóa sẽ thất bại. Chúng ta đã hình thành một tư duy, định hướng lớn cho Chính phủ. Đó là Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

“Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm trên các mặt: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước, hội nhập kinh tế, cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp… Mỗi giải pháp đều thể hiện rõ định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, là đối tác của doanh nghiệp và đặc biệt coi trọng việc tương tác với doanh nghiệp và người dân”.

Theo Tapchicongthuong.vn