04/06/2019

Cộng hưởng các phương án hỗ trợ làng nghề

Tuy sản phẩm cũng như hoạt động sản xuất của các làng nghề đã có sự cải thiện rõ rệt, nhưng để giải quyết tận gốc những trở ngại và phát triển bền vững, khu vực làng nghề cần sự hỗ trợ toàn diện, có độ liên kết cao giữa ngành Công Thương và các ngành khác.

conghuonglang

Vốn khuyến công góp phần phát triển làng nghề truyền thống

Làng nghề là một trong những khu vực được hưởng nhiều sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Từ năm 2014 – 2018, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phối hợp tổ chức các hội thảo về phát triển mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực quản lý, giải pháp xử lý môi trường làng nghề; tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì thủ công mỹ nghệ… cho các cơ sở sản xuất tại Hải Dương, Thái Nguyên, Nam Định…

Hiệp hội cũng thực hiện các đề án đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề gỗ mỹ nghệ và mây tre đan. Trong đó, lớp đào tạo tổ chức tại Hà Nội và Nam Định đã cung cấp những kiến thức về mỹ thuật và nâng cao kỹ năng cho 200 học viên, từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng thẩm mỹ cũng như giá trị thương mại cao.

Theo ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – cả nước có khoảng 5.000 làng nghề, dựa trên đặc điểm lao động, đặc trưng sản phẩm của mỗi làng nghề hiệp hội thiết kế xây dựng những hoạt động hỗ trợ phù hợp. Kết quả, sau 5 năm đồng hành của chương trình khuyến công, hoạt động sản xuất, sản phẩm của một số làng nghề đã có sự chuyển biến rõ nét, nhất là sự thay đổi về mẫu mã sản phẩm, tay nghề lao động. Cơ sở sản xuất làng nghề cũng bắt đầu biết tận dụng các phương tiện truyền thông, internet nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối với người tiêu dùng, nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở tầm tổng thể, ông Lưu Duy Dần cho rằng, làng nghề trên cả nước đang gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình phát triển, trong đó đất đai và mặt bằng sản xuất là điểm nóng. Mặc dù ngành Công Thương đã quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp, nhưng tại các địa phương, có tình trạng cụm công nghiệp không thu hút được cơ sở sản xuất vào hoạt động do quá xa khu dân cư, không phù hợp với văn hóa và thói quen của người dân làng nghề. Bên cạnh đó, có những làng nghề không đủ mặt bằng xây dựng cụm công nghiệp, như: Làng nghề Vạn Phúc, Sơn Động của Hà Nội.

Hơn nữa, sản phẩm của các làng nghề đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều. Thậm chí, ngay tại một số làng nghề nổi tiếng như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thổ cẩm Mai Châu đang bày bán tràn ngập hàng Trung Quốc. Nguyên do, bên cạnh ý thức của người dân làng nghề còn do nguồn nguyên liệu trong nước quá thiếu, không có quy hoạch, không đủ cho sản xuất mới dẫn đến tình trạng trên. Ở tầm dài hạn, yếu tố này rất nguy hại, trở thành rào cản lớn cho các làng nghề phát triển.

Trước thực trạng trên, ông Lưu Duy Dần cho rằng, cần nâng tầm vai trò của công tác khuyến công nhằm gia tăng hiệu quả tác động. Theo đó, hoạt động khuyến công cần có nhiều mô hình và cách làm mới, đặc biệt tạo tính liên kết giữa các địa phương nhằm hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ quy mô lớn. Tổ chức các phiên chợ văn hóa du lịch làng nghề, chứa đựng nhiều sản phẩm mới tạo sân chơi và giao lưu cho các vùng miền trên cả nước. Hỗ trợ mỹ thuật ứng dụng trong thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm nhằm tạo nét độc đáo riêng. “Quan trọng nhất, cần sự hỗ trợ của tổng thể các ban, ngành, chứ không phải chỉ riêng chương trình khuyến công của Bộ Công Thương, hay đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” – ông Lưu Duy Dần nhấn mạnh.

Các làng nghề truyền thống không chỉ góp sức phát triển kinh tế tại địa phương mà còn giải quyết “bài toán” việc làm cho lao động nông thôn, ổn định trật tự an ninh xã hội.

Theo báo congthuong.vn