Cơ hội cho xuất khẩu hàng dệt may – Kỳ I: Bốn cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam
Trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam thêm rộng mở
EVFTA mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng dệt may mà không hạn chế về số lượng và giảm dần các rào cản thương mại
Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan
Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết trong EVFTA thì hàng dệt may từ Việt Nam phải đáp ứng quy định về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cụ thể, ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam (tiêu chuẩn xuất xứ đơn là vải có thể được nhập khẩu rồi cắt may tại Việt Nam, tiêu chuẩn kép là vải phải được sản xuất tại Việt Nam và khâu cắt may cũng tại Việt Nam).
EU cho phép áp dụng quy chế cộng gộp nguồn gốc xuất xứ. Tức là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác với EU cũng được coi là có nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Trong hiệp định có nêu rõ việc cho phép sử dụng vải sản xuất tại Hàn Quốc (nước đã có FTA song phương với EU).
Ngoài việc đáp ứng quy định về nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm dệt may Việt Nam phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như an toàn sản phẩm …. Theo đó, các DN dệt may cần lưu ý đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001. EU cũng quy định các vấn đề yêu cầu xử lí nguyên liệu và các chất thải độc hại sinh ra từ quá trình trồng nguyên liệu, sản xuất vải, chế biến vải hoàn thiện, các quá trình dệt, nhuộm, in ấn.
Doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bao bì, đóng gói sản phẩm khi xuất khẩu sang EU. Bao bì, đóng gói hàng xuất khẩu phải bảo vệ được hàng hóa trong quá trình vận chuyển, chống chịu được ảnh hưởng xấu của khí hậu, nhiệt độ, va chạm cơ học… Ghi nhãn sản phẩm cần cụ thể, nêu đúng các thông tin về thành phần xơ, sợi của sản phẩm, cung cấp đủ, chính xác thông tin cho người tiêu dùng.
Trên bình diện chung, trong khuôn khổ EVFTA, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá lớn, tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu nhờ tận dụng được ưu đãi thuế quan trong bối cảnh chi phí lao động dệt may Việt Nam thấp, nguồn cung lao động dồi dào, số người trong độ tuổi lao động cao. Hơn thế, Việt Nam đã bước đầu định vị được vai trò là nhà sản xuất, xuất khẩu quan trọng tới những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Hoa Kỳ và EU. Các DN dệt may Việt Nam cũng đồng thời thiết lập được mối quan hệ gắn bó với nhiều nhà nhập khẩu, tập đoàn tiêu thụ lớn trên thế giới. Chính phủ có những biện pháp ưu tiên và khuyến khích đầu tư vào ngành dệt may như ưu đãi thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu thô với mục đích sản xuất các sản phẩm may tái xuất khẩu trong 3-4 tháng, miễn giảm thuế thu nhập DN…
Bốn cơ hội…
Đối với các DN dệt may cả DN nội địa và DN FDI đều có thể tìm thấy rất nhiều cơ hội từ EVFTA, trong đó theo phân tích của các chuyên gia nổi bật lên những yếu tố sau:
Một là, cơ hội tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU. EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới với bình quân GDP trên đầu người cao tới 25.000 EUR, dân số tiêu dùng khoảng 500 triệu người và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Xét riêng đối với ngành dệt may, EVFTA mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng dệt may sang các nước EU không hạn chế về số lượng và giảm dần các rào cản thương mại (xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu).
Hai là, cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan. Từ ngày 1/1/2014, Việt Nam được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đã bị xếp vào nhóm hàng ở mức trưởng thành. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh do GSP đem lại không mang tính bền vững vì việc đáp ứng được các quy tắc của GSP và thời hạn có hiệu lực của GSP không phải là mãi mãi..
Với EVFTA, nếu đáp ứng được các đòi hỏi để tận dụng ưu đãi thuế quan thì kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU sẽ có bước phát triển nhảy vọt. Trong đó, 5 mặt hàng may mặc xuất khẩu nhiều nhất sẽ được hưởng lợi là com-lê nữ, nam; áo khoác nam, nữ và hàng dệt kim.
Ba là, cơ hội cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà ngành còn yếu kém như nguyên phụ liệu đầu vào, dệt, nhuộm… Các cam kết về môi trường trong FTA là sức ép để Việt Nam tự cải thiện vấn đề này trong quan hệ thương mại với EU, và từ đó trong thương mại nói chung. Bản thân những tiêu chuẩn cao về môi trường mà hàng hóa và dịch vụ EU đang tuân thủ khi “nhập khẩu” vào Việt Nam tạo nên thế mạnh cạnh tranh riêng và để không bị mất thị phần, các DN Việt Nam cũng sẽ phải phát triển theo hướng này. EVFTA cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam gia tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị và công nghệ chất lượng cao từ EU để nâng cao năng suất và có thể tiếp cận máy móc thiết bị nhập khẩu từ EU với giá rẻ hơn, trong khi đó, các thiết bị này lại sử dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn mà EU đang áp dụng. Đây là điều kiện để cải tạo phương thức sản xuất của nhiều DN theo hướng tốt hơn cho môi trường, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững.
Bốn là, cơ hội cải thiện quá trình thực thi các quy định áp dụng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU. EVFTA sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi. Những cam kết trong các lĩnh vực như phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBTs), các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS)… đã có những tác động nhất định tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian vừa qua được cho là sẽ có những tác động tích cực hơn, đem lại những lợi ích đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
EVFTA chủ trương không cam kết các quy định cụ thể về những vấn đề chi tiết mà tập trung vào việc thiết lập cơ chế hợp tác nhằm minh bạch hóa và xử lý nhanh những tranh chấp phát sinh, qua đó, sẽ góp phần cải thiện quá trình thực thi các quy định liên quan (cơ hội để thảo luận, góp ý, đề xuất ban hành hay sửa đổi các quy định, cơ hội để giải quyết ôn hòa những khúc mắc phát sinh trong quá trình áp dụng…).
Theo Báo Công Thương
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH