Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Cần gỡ khó về vốn
Mặc dù đã, đang là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam vẫn còn rất thiếu và yếu. Cùng với những trở ngại về thị trường, nguồn lực, đất đai, công nghệ, khó khăn về nguồn vốn đang được coi là nút thắt chính, kìm hãm sự phát triển ngành CNHT.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNHT tiếp cận vốn
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp CNHT Việt Nam, ngành CNHT hiện quy tụ khá nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Do nguồn lực hạn chế, nên đa phần các DN trong lĩnh vực này đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, rất cần những giải pháp thiết yếu về nguồn vốn, tài chính ưu đãi, hạ tầng và mặt bằng; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và định hướng tìm kiếm thị trường cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Tiên Phong… đã dành sự quan tâm và hỗ trợ nhất định đối với các ngành, lĩnh vực CNHT. Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT TP. Hà Nội – cho biết, một số DN tiếp cận được nguồn tín dụng đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp ổn định sản xuất, phát triển thêm nhiều mặt hàng, mẫu mã với tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Quan trọng hơn, với “bệ đỡ” này, nhiều DN đã bắt tay hợp tác và dần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia như Canon, Toyota, Yamaha, Samsung, Ford, Nidec… hay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của các DN CNHT không dễ dàng và thuận tiện như mong muốn. Cụ thể, những vướng mắc về thủ tục vay vốn phức tạp; tình trạng thiếu tài sản đảm bảo, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém và thêm nữa là thông tin, tài chính thiếu đầy đủ, kém minh bạch…đang là những rào cản khiến DN ngành CNHT dù muốn cũng khó vay được tín dụng khi cần.
Mặc dù Chính phủ và các ban, ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ, xúc tiến thương mại và phát triền nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp CNHT… song kết quả hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệp hội các DN CNHT Việt Nam cho rằng, cần có những cơ chế thông thoáng hơn nữa để giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Cụ thể với ngành CNHT, nhiều DN đề xuất các cấp, ngành liên quan nên sớm nghiên cứu giải pháp hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cùng thời hạn vay linh hoạt và hạn mức vay phù hợp với điều kiện của DN. Đồng thời, nới lỏng quy định về tài sản thế chấp… để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi cần, thay vì phải mượn tới các kênh phi chính thức trên thị trường. Ngoài ra, cũng cần thành lập Quỹ tài chính dành riêng cho các DN CNHT và là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế.
Theo đại diện Hiệp hội các DN CNHT Việt Nam, nên cho phép các DN CNHT được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước công nghệ tiên tiến để tăng năng lực sản xuất và liên kết, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo Baocongthuong.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH