Chương trình Khuyến công quốc gia: Thay đổi diện mạo công nghiệp nông thôn
Mặc dù mới đi được hơn nửa chặng đường, Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) đến năm 2020 đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) của cả nước. Đặc biệt, hiệu quả chương trình đã lan tỏa rộng khắp, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia.
Hiệu quả thiết thực
Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương (CTĐP) – Bộ Công Thương, tổng kế hoạch kinh phí KCQG 5 năm vừa qua (2014-2018) là 481,407 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này thu hút tới gần 2.300 tỷ đồng vốn đối ứng từ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả của chương trình, trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút 4,78 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNT.
Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học – kỹ thuật là một trong những nội dung thu hút lượng vốn đối ứng lớn và cũng được ghi nhận đạt hiệu quả nhanh cho các cơ sở thụ hưởng. 5 năm qua, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 630 cơ sở chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả
Để nhìn nhận toàn diện hiệu quả của nội dung này trong giai đoạn vừa qua, Cục CTĐP đã kiểm tra, đánh giá mức độ khả thi, tính hiệu quả các đề án tại 10 địa phương của 3 khu vực trên cả nước. Qua đánh giá, các mô hình đều là những hình mẫu cho các giải pháp sản xuất khu vực nông thôn, giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Có những mô hình mang tính đại diện cho cả vùng và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường; mức doanh thu sau khi được kinh phí KCQG hỗ trợ tăng trung bình khoảng 20% so với doanh thu trước khi được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, những nội dung thuộc Chương trình KCQG cũng được triển khai thực hiện, đạt hiệu quả rất tốt, như: Đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%; hỗ trợ thành lập 186 doanh nghiệp sản xuất tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cho 45 cụm công nghiệp tại 22 địa phương…
Theo đại diện Cục CTĐP, Cục đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời từ Bộ Công Thương trong hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai chương trình tới các địa phương và tổ chức dịch vụ khuyến công. Tổ chức khuyến công địa phương cũng như hệ thống khuyến công viên từng bước được hình thành, củng cố, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả. Với những nỗ lực đó, mục tiêu của Chương trình KCQG đã và đang được thực hiện; khẳng định vai trò quan trọng, động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT; mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội đáng kể; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Nỗ lực hoàn thành sớm mục tiêu
Quyết định số 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KCQG đến năm 2020 (Quyết định 1288) với mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công; khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người…
Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp
Với những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, Cục CTĐP đang nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu cụ thể đề ra tại Quyết định 1288. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nội dung: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cho các cơ sở CNNT; nâng cao năng lực tư vấn phát triển CNNT của các tổ chức dịch vụ công; đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền; tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Đặc biệt, bảo đảm xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm đúng thời hạn, có chất lượng, phấn đấu có ít nhất 30% địa phương xây dựng được đề án KCQG điểm, tổ chức thực hiện đúng quy định và hoàn thành 100% các đề án được giao.
Để thực hiện mục tiêu trên, Cục CTĐP đã xây dựng hệ thống những giải pháp thiết thực. Theo đó về chính sách, Cục phối hợp với các địa phương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách khuyến công cho phù hợp thực tế; cập nhật, hoàn thiện phần mềm phục vụ công tác thống kê số liệu và theo dõi quản lý chương trình, đề án khuyến công; ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật của hoạt động khuyến công; đào tạo cán bộ khuyến công.
Nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trung tâm khuyến công theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường hệ thống khuyến công viên cấp huyện, xã đủ mạnh về số lượng và chất lượng; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; hạn chế những biến động về luân chuyển đối với cán bộ làm khuyến công, đặc biệt là việc điều động, thay thế cán bộ chủ chốt của các trung tâm khuyến công cấp tỉnh.
Về nguồn kinh phí, lồng ghép khuyến công với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNNT; tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chương trình. Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương đối với các huyện nghèo, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới.
Ngoài ra, Cục CTĐP phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản có liên quan về hoạt động khuyến công; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các đề án tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương; đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách đối với hoạt động khuyến công và phát triển công nghiệp, thương mại…
Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2030 đã được Cục CTĐP xây dựng với định hướng chú trọng phát triển CNNT theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.
Theo congthuong.vn
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024