Chủ động kết nối, tham gia chuỗi cung ứng
Trong 30 năm qua, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thúc đẩy gắn kết theo chuỗi giá trị của các DN trong nước với các tập đoàn sản xuất lớn của nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng.
Tăng cường mối liên kết
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong thời gian vừa qua, để tăng cường mối liên kết giữa DN FDI và các DN cung ứng trong nước, tăng số lượng DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Công Thương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, đặc biệt là các DN FDI để thúc đẩy, triển khai các đề án hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng. Trong đó, nổi bật là hai lĩnh vực điện tử và sản xuất, lắp ráp ô tô.
Cụ thể, trong lĩnh vực điện tử, Bộ Công Thương đã phối hợp với Samsung trong việc tìm kiếm các DN CNHT của Việt Nam có đủ trình độ để tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Đặc biệt, Bộ Công Thương đang hợp tác với Samsung trong Chương trình hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng từ đó tạo tính lan tỏa nâng cao năng lực của các DN CNHT trong nước để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Trong lĩnh vực ô tô, hàng năm, Bộ Công Thương đều thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực của các DN CNHT và hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, trong đó có DN FDI. Từ 2014, Bộ Công Thương đã xuất bản cuốn Niên giám thường niên về CNHT các ngành chế tạo Việt Nam. Năm 2017 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo – Triển lãm Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam.
Chú trọng hợp tác quốc tế
Không chỉ triển khai các chương trình để hỗ trợ, kết nối các DN FDI với các DN CNHT của Việt Nam, Bộ Công Thương còn triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các quốc gia có mối quan hệ hợp tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm huy động nguồn lực phát triển ngành CNHT. Theo đó, dự kiến phía Bộ Thương mại công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) sẽ tài trợ cho Bộ Công Thương Việt Nam xây dựng Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (gọi tắt là TASK) hoạt động trong thời hạn 10 năm với kinh phí khoảng 4 – 5 triệu USD/năm với mục tiêu hỗ trợ các DN thông qua chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ sư, cung cấp các khóa đào tạo để nâng cao năng lực đổi mới công nghệ.
Tương tự, với Nhật Bản, Bộ Công Thương đã đề xuất 5 nội dung cần Nhật Bản hỗ trợ trong Ý định thư với Nhật Bản, đó là: Phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu kết nối sản xuất và tiêu dùng trong các khu công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam để hình thành “bản đồ” ngành CNHT cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; tổ chức chương trình thúc đẩy các DN FDI Nhật Bản tại Việt Nam tìm kiếm, hỗ trợ và lựa chọn các nhà cung cấp đầu vào Việt Nam; hợp tác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hỗ trợ các DN công nghiệp của Việt Nam thông qua các hoạt động; hỗ trợ Việt Nam xây dựng gói tín dụng riêng để phát triển CNHT ở Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam xây dựng Luật Phát triển CNHT…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung trong Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo BaoCongThuong.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH